Chất lượng giấc ngủ kém khiến bạn bị lão hóa da, suy giảm nhận thức, miễn dịch.
Tiến sĩ người Mỹ Neil Paulvin là bác sĩ y học tái tạo và trường thọ. Ông đã giúp đỡ các khách hàng của mình bao gồm những giám đốc điều hành, vận động viên Olympic và ngôi sao hạng A tối ưu hóa sức khỏe.
Dưới đây là chia sẻ của Tiến sĩ Paulvin trên CNBC về một sai lầm khiến bạn già đi nhanh hơn:
Quá trình lão hóa có thể chia thành hai loại: nội tại và ngoại sinh. Lão hóa nội tại do yếu tố di truyền, trong khi lão hóa ngoại sinh do lối sống như uống rượu, hút thuốc, ăn uống, tập thể dục và kiểm soát căng thẳng.
Với tư cách là bác sĩ y học tái tạo và trường thọ, tôi giúp các giám đốc điều hành, vận động viên và người nổi tiếng cải thiện sức khỏe của họ bằng cách thay đổi lối sống. Dựa trên kinh nghiệm của mình, tôi nhận thấy chất lượng giấc ngủ kém là sai lầm số một khiến bạn già đi nhanh hơn.
Lý do thiếu ngủ làm tăng tốc độ lão hóa?
Khi nhịp độ cuộc sống ngày càng nhanh, mọi người thường hy sinh giấc ngủ cho các hoạt động khác. Nhiều bằng chứng cho thấy giấc ngủ chất lượng là chìa khóa cho một cuộc sống khỏe mạnh.
Khi chúng ta ngủ, cơ thể tự chữa lành. Ngủ từ 7 đến 8 giờ mỗi đêm cải thiện sức khỏe tế bào và mô, chức năng nhận thức, khả năng miễn dịch, mức năng lượng và trao đổi chất.
Trong khi đó, thiếu ngủ có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm huyết áp cao, trầm cảm, béo phì, đột quỵ, tiểu đường và bệnh tim.
Các tác hại khác của thiếu ngủ
– Nếp nhăn và lão hóa da sớm: Da được tạo thành từ một số protein, bao gồm collagen và elastin, giữ cho da săn chắc và căng mọng khi chúng ta nhiều tuổi hơn. Một số nghiên cứu cho thấy ngủ không đủ giấc có thể ảnh hưởng đến chất lượng của cả collagen và elastin, dẫn đến nếp nhăn, da chảy.
– Nhận thức suy giảm: Trong ngắn hạn, thiếu ngủ có thể gây ra suy giảm các kỹ năng vận động, xử lý thông tin, khả năng chú ý, cảm xúc cũng như khả năng phán đoán của chúng ta. Về lâu dài, các vấn đề về giấc ngủ có thể dẫn tới nguy cơ suy giảm nhận thức, trí nhớ và tăng khả năng mắc bệnh Alzheimer.
– Khả năng miễn dịch suy yếu: Tuyến phòng thủ đầu tiên của cơ thể là hệ miễn dịch. Trong khi bạn ngủ, hệ miễn dịch tạo ra các tế bào giúp cơ thể chống lại các mầm bệnh. Nghiên cứu cho thấy khi giấc ngủ bị ảnh hưởng, cơ thể không chống lại các mầm bệnh một cách hiệu quả. Ngoài ra, thời gian hồi phục sau bệnh tật có thể lâu hơn.
Ngủ ngon là cách tốt để làm chậm quá trình lão hóa
Nhiều người không nhận ra tác hại của việc thiếu ngủ đối với sức khỏe tổng thể. May mắn thay, bạn có thể thực hiện một số thay đổi để cải thiện chất lượng giấc ngủ:
– Có lịch trình ngủ nhất quán sẽ giúp duy trì nhịp sinh học bình thường.
– Tiếp xúc với ánh nắng ngay sau khi thức dậy: Điều này sẽ thiết lập đồng hồ sinh học của cơ thể bằng cách cho cơ thể thấy trời đã sáng và giúp bạn ngủ nhanh hơn vào ban đêm.
– Hạn chế cà phê và rượu: Tránh dùng đồ uống có chất caffeine như cà phê trong 8 giờ trước khi đi ngủ và không uống rượu trong 3 giờ trước khi đi ngủ.
– Hạn chế sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ: Tiếp xúc với ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử đã được chứng minh có ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ.
– Tạo thói quen thư giãn trước khi đi ngủ: Tập thói quen đọc sách hoặc tắm nước ấm sẽ báo hiệu cho cơ thể rằng đã đến lúc phải nghỉ ngơi, giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ hơn.
– Đầu tư một tấm đệm, ga trải giường, miếng che mắt tốt hoặc bất cứ thứ gì giúp bạn cảm thấy thư giãn.
Theo An Yên (VietNamNet)