Mỗi phút trôi qua, người bệnh đột quỵ có thể mất đi gần 2 triệu tế bào não nếu chậm trễ cấp cứu. Những cách xử trí sai lầm có thể khiến người bệnh mất đi cơ hội sống và hồi phục.
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, bác sĩ Nguyễn Văn Phước, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Lê Văn Thịnh(TP.HCM), cho biết mỗi quý, bệnh viện này tiếp nhận trên 120 ca đột quỵ, gần 10% trong đó được sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.
Thời gian từ khi bệnh nhân đột quỵ vào viện cấp cứu, khám, xét nghiệm, chụp CT, hội chẩn, dùng thuốc tiêu sợi huyết… kéo dài trung bình 43 phút. Các tiêu chí trên giúp cơ sở y tế này đạt chuẩn vàng của Hội Đột quỵ thế giới. Mặc dù vậy, trăn trở của các bác sĩ đột quỵ tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh là người dân vẫn chưa hiểu đúng về căn bệnh nguy hiểm này.
Bác sĩ Phước dẫn chứng rất nhiều trường hợp đến cấp cứu sau 2-3 ngày bị đột quỵ khiến người bệnh mất cơ hội điều trị trong thời gian vàng, đối mặt với tình trạng tàn phế. Đáng nói, nhiều bệnh nhân còn được sơ cứu tại nhà bằng cách vắt chanh vào miệng, cạo gió và chích máu đầu ngón tay.
“Các bác sĩ và truyền thông cảnh báo liên tục về những cách xử trí đột quỵ sai lầm nhưng nhiều người vẫn mắc phải. Chúng tôi mong mỏi người bệnh nhận diện sớm dấu hiệu đột quỵ và vào bệnh viện sớm nhất có thể”, bác sĩ nói.
Đây cũng là tình huống mà Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), gặp phải. Bệnh nhân là một người đàn ông có tiền sử tăng huyết áp, hút thuốc, nhập viện với 5 đầu ngón tay bị rạch sâu.
Theo gia đình, bệnh nhân đột ngột liệt nửa người tại nhà. Vợ và em gái đã dùng lưỡi lam cắt sâu vào đầu ngón tay của bệnh nhân bên bị liệt, sau khi tham khảo “thầy thuốc online”. Người bệnh bị chảy máu nhiều nhưng không hết liệt.
Thấy vậy, người thân vội đưa ông đến bệnh viện huyện. Bác sĩ lập tức yêu cầu chuyển người bệnh lên Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) để kịp giờ vàng.
Lên đến TP.HCM, bệnh nhân đã trải qua hơn 6 giờ kể từ lúc khởi phát triệu chứng. Kết quả thăm khám và chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhân bị tắc động mạch não giữa. Người bệnh được can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ ngay sau đó.
Bác sĩ Thắng khẳng định chưa có bằng chứng khoa học về việc cấp cứu cho người bị đột quỵ bằng cách chích máu từ đầu ngón tay. Nguyên tắc vàng là tính thời điểm để can thiệp, giúp bệnh nhân đột quỵ thoát nguy cơ tử vong cũng như tàn phế. Mỗi phút trì hoãn, hai triệu tế bào não sẽ chết và không thể phục hồi. Thời gian nhập viện càng sớm, khả năng cấp cứu đột quỵ thành công càng cao.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Văn Phước, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, một khi người bệnh đột quỵ liệt nửa người thì sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình. Vì thế, quan trọng nhất là cấp cứu kịp thời để người bệnh không bị di chứng, tàn phế.
Bác sĩ khuyến cáo, khi gặp trường hợp đột quỵ, người thân hoặc người xung quanh cần gọi cấp cứu ngay lập tức. Trong thời gian chờ xe cấp cứu, đặt bệnh nhân nằm nghiêng trên nền phẳng, nới lỏng quần áo, đo SPO2 nếu có thiết bị.
Không cho bệnh nhân ăn, uống hay dùng bất kỳ loại thuốc nào. Tuyệt đối không áp dụng các phương pháp truyền miệng như cạo gió, chích lể đầu ngón tay hay vắt chanh vào miệng…
Trường hợp người bệnh diễn tiến ngưng tim, ngưng thở, cần phải tiến hành xoa bóp tim ngoài lồng ngực.
Nên và không nên khi người thân bị đột quỵ
Không nên làm:
Không cạo gió, bấm huyệt, châm cứu; Không chích máu đầu ngón tay
Không xoa bóp; Không nặn chanh; Không để nằm chờ xem bệnh nhân có khỏe lại không.
Không tự ý dùng thuốc (kể cả thuốc hạ huyết áp mà bệnh nhân thường uống)
Việc nên làm:
Nhớ chính xác thời gian khởi phát triệu chứng.
Thông báo với nhân viên y tế nếu nghi ngờ người nhà mình bị đột quỵ.
Nhớ cân nặng bệnh nhân và thuốc đang điều trị nếu có.
Không trì hoãn ký đồng thuận nếu người nhà có chỉ định tiêu sợi huyết.
(Theo Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, TP.HCM)
Theo Linh Giao (VietNamNet)