Rau má được sử dụng nhiều trong cả bài thuốc cổ truyền và y học hiện đại, nhằm chữa các bệnh hô hấp, cảm sốt, tổn thương da.
Rau má có tên gọi khoa học Centella asiatica đã được sử dụng để điều trị nhiều bất ổn sức khỏe ở Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia. Các thầy thuốc châu Á dùng loại rau này chữa lành vết thương, cải thiện tinh thần và điều trị các tình trạng da như bệnh phong và vẩy nến.
Một số người sử dụng rau má để chữa bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, chẳng hạn như cảm lạnh. Ở Trung Quốc, rau má được gọi là “suối nguồn tuổi trẻ” với truyền thuyết kể rằng một nhà thảo dược đã sống hơn 200 năm nhờ dùng rau má.
Trong lịch sử, rau má cũng được nhận định có thể chữa bệnh giang mai, viêm gan, loét dạ dày, mệt mỏi tinh thần, động kinh, tiêu chảy, sốt và hen suyễn.
Ngày nay, theo Mount Sinai, ở Mỹ và châu Âu, rau má thường dùng để trị chứng giãn tĩnh mạch và suy tĩnh mạch mạn tính, tình trạng khiến máu ứ đọng ở chân. Thành phần rau má có trong thuốc mỡ cho bệnh nhân vẩy nến và chữa lành vết thương nhỏ.
Rau má có thể chế biến thành nước uống, dạng trà, thảo mộc khô, viên nang, viên nén và thuốc mỡ. Sản phẩm cần được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát.
Cải thiện suy tĩnh mạch và giãn tĩnh mạch
Khi mạch máu mất đi tính đàn hồi, máu sẽ ứ lại ở chân và chất dịch rò rỉ ra khỏi mạch máu. Điều đó khiến chân sưng lên (suy tĩnh mạch). Một số nghiên cứu quy mô nhỏ cho thấy rau má có thể giảm sưng và cải thiện lưu lượng máu. Theo khảo sát trên 94 bệnh nhân suy tĩnh mạch, những người dùng rau má cải thiện triệu chứng so với những người dùng giả dược. Một nghiên cứu khác về giãn tĩnh mạch ghi nhận những người dùng rau má ít bị rò rỉ dịch hơn.
Chữa lành vết thương và tổn thương da
Rau má chứa các chất gọi là triterpenoid. Trong các nghiên cứu trên động vật và phòng thí nghiệm, những hợp chất này dường như giúp chữa lành vết thương. Theo đó, triterpenoid tăng cường chất chống oxy hóa trong vết thương và tăng lượng máu cung cấp cho khu vực đó. Dựa trên những phát hiện này, rau má đã được bôi lên da hoặc bôi tại chỗ để chữa bỏng nhẹ, bệnh vẩy nến, ngăn ngừa sẹo sau phẫu thuật và giảm vết rạn da. Bạn có thể tìm thấy chiết xuất rau má trong nhiều loại kem chữa lành vết thương.
Giảm xơ cứng bì
Một nghiên cứu trên 13 phụ nữ mắc bệnh xơ cứng bì chứng minh rau má làm giảm đau khớp, cứng da và cải thiện cử động ngón tay.
Khuyến cáo
Asiaticoside, một thành phần của rau má, có liên quan đến sự phát triển khối u trong nghiên cứu ở chuột. Bất cứ ai có tiền sử tổn thương da tiền ung thư hoặc ung thư, chẳng hạn như tế bào vảy, ung thư da tế bào đáy hoặc khối u ác tính, không nên sử dụng rau má.
Những người mắc bệnh gan hoặc đang dùng thuốc ảnh hưởng đến gan không nên sử dụng sản phẩm liên quan loại rau này. Trẻ em dưới 18 tuổi không khuyến khích dùng rau má. Người trên 65 tuổi cũng chỉ nên dùng liều thấp.
Rau má rất hiếm khi gây ra tác dụng phụ nhưng có thể dẫn tới dị ứng da và cảm giác nóng rát khi bôi, nhức đầu, khó chịu ở dạ dày, buồn nôn, chóng mặt và buồn ngủ. Những tác động này có xu hướng xảy ra với liều cao.
Rau má có thể tương tác với một số loại thuốc liên quan tới tiểu đường, gan, cholesterol, an thần. Bởi vậy, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu muốn dùng rau má khi đang có các vấn đề sức khỏe trên.
Theo An Yên (VietNamNet)