Cô “cầu cứu” mọi người cho mình lời khuyên vì đã nghĩ đến việc họp gia đình.
Cuộc sống hôn nhân có muôn vàn chuyện vụn vặt mà không phải ai cũng đủ bình tĩnh, thấu đáo để giải quyết ổn thỏa nhanh chóng. Mới đây, trên 1 diễn đàn, cô vợ H.T tâm sự về chủ đề mà có lẽ nhiều nhà đang rơi vào cảnh như vậy.
Nội dung câu chuyện như sau: “Với những gia đình có điều kiện thì em không nói nhưng vợ chồng em làm công ăn lương thôi. Hàng tháng ngoài tiền sinh hoạt phí thì còn tiền học, tiền sữa của con, kiếm thêm chút tiền dành dụm đề phòng ốm đau nữa, nói thật là cũng không dư dả được nhiều.
Nhưng trước khi chồng em cưới vợ, hàng tháng anh đều phải gửi về 8 triệu cho bố mẹ lo cho em ăn học. Đến giờ có vợ thì mẹ chồng em bảo ‘bớt 3 triệu’ là yêu cầu mỗi tháng gửi về 5 triệu. Em cũng nhiều lần muốn ý kiến nhưng chồng em bảo thôi, dù gì bố mẹ giờ cũng không làm gì, chỉ ở nhà hưởng lương hưu nên gửi chút cũng không sao. Khổ nỗi ở quê đúng thật bố mẹ em chẳng tiêu pha gì nhiều, chưa kể hàng tháng vợ chồng em gửi tiền nhưng bố mẹ chồng chưa 1 lần mua được cho cháu nội hộp sữa hay cái quần cái áo. Em đi đẻ mẹ chồng lên chăm cháu được 1 tháng rồi về quê, từ đó cứ cỡ 2-3 tháng mới lên chơi với cháu 1 lần”.
Cô vợ này cũng nhấn mạnh mình không hề tính chi li với bố mẹ chồng nhưng nuôi 1 đứa trẻ rất tốn kém. Và nếu vợ chồng cô có việc gấp như ốm đau bệnh tật… cần dùng đến thì không có tiền. Cô “cầu cứu” mọi người cho mình lời khuyên vì đã nghĩ đến việc họp gia đình.
Trường hợp này không phải phổ biến nhưng vẫn có nhiều nàng dâu rơi vào hoàn cảnh trên. Bởi làm dâu con – phận bề dưới không thông suốt và đưa ra cách giải quyết khéo léo sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người và mất hòa khí gia đình.
Vậy nên những lúc thế này các nàng dâu cần lưu ý:
Lên kế hoạch cụ thể cho 2 cuộc nói chuyện riêng: với chồng và với bố mẹ, anh/chị/em chồng
Với chồng: Người ta vẫn nói “lựa cơm gắp mắm” nên sẽ không có công thức nào cụ thể cho bạn áp dụng. Bởi mỗi người đàn ông sẽ có những tính cách khác nhau, người có thể nói chuyện thẳng thắn, người phải rào trước đón sau. Nhưng quan trọng nhất lại chính là tâm lý của bạn. Khi bản thân bực tức, khó chịu, bắt đầu cuộc nói chuyện với thái độ trách móc, không có thiện chí thì rất khó đưa ra hướng giải quyết. Hãy cho chồng xem bảng chi tiêu 1 tháng (các khoản mục phải rõ ràng, mạch lạc và hợp lý) sau đó đề nghị để anh ấy cầm kinh tế 1 tháng để anh ấy hiểu cảm giác của bạn.
Với nhà chồng (sau khi bạn đã thống nhất quan điểm cùng chồng): Đừng ngần ngại kéo cả những người liên quan vào cuộc. Ví dụ trong câu chuyện trên, vì bố mẹ chồng muốn con cả hỗ trợ nuôi con út nên cuộc nói chuyện này cũng cần sự có mặt của người em. Xem xét tình hình kinh tế của bố mẹ chồng và đưa ra đề xuất (sau khi đã tâm sự những khó khăn và thực tế thu nhập của 2 vợ chồng).
Không có gì bằng sự thẳng thắn, song sự thẳng thắn đó phải được diễn đạt 1 cách nhẹ nhàng, lễ phép, thấu tình đạt lý. Có thể, người lớn tuổi họ bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ và quan điểm của thế hệ trước, họ có chút gia trưởng và cho rằng con cái cần báo hiếu bố mẹ. Nhưng chỉ cần nghe con tâm sự, sẻ chia những khó khăn, không có bố mẹ nào là không thương con, thương cháu.
Đặt chồng vào thế giống mình
Khi đã bước vào hôn nhân, chúng ta đều có 2 ông bố và 2 bà mẹ, hết cái thời phân biệt “dâu là con, rể là khách” rồi. Nếu chồng bạn cứ khăng khăng dù bạn đã dùng hết cách mềm mại ngọt nhạt, hãy ép anh ấy vào thế khó như bạn.
Thử đề nghị chồng đổi vai, cầm kinh tế trong gia đình, mỗi tháng vợ đưa 1 số tiền tương đương với 70% thu nhập và yêu cầu bình đẳng: con dâu báo hiếu bố mẹ chồng thì con trai cũng nên báo hiệu bố mẹ vợ.
Là người phụ nữ thông minh, bản lĩnh sẽ biết rắn – mềm đúng lúc. Đây cũng là bài học cho các cặp đôi chuẩn bị cưới rút kinh nghiệm. Hãy tìm hiểu kĩ về văn hóa gia đình chồng trước khi kết hôn.
Theo Ngọc Anh (Phụ Nữ Mới)