Sau ca mổ cắt khối u 12cm, người phụ nữ hồi tỉnh sau khi nghe nữ hộ lý liên tục gọi: “Dậy đi, chị đo tim thai cho em”.
Gian nan 2 lần làm mẹ
Trong tập 196 chương trình Tâm sự mẹ bỉm sữa, câu chuyện của nữ nhân viên văn phòng Ninh Thị Kim Liên đã lấy không ít nước mắt của MC Ngọc Lan.
Ở tuổi 28, Kim Liên có 2 con, một trai một gái lanh lợi, đáng yêu. Đó là thành quả ngọt ngào sau nhiều gian nan, thử thách của người mẹ chẳng may mắc bệnh ung thư.
Kim Liên kể, sau cưới 2 tháng, cô biết mình mang thai con đầu lòng. Liên trải qua thai kỳ suôn sẻ, không bị nghén, sức khỏe ổn định.
Tuy nhiên, đến tháng thứ 6 của thai kỳ, Liên thường bị khó thở, phải tựa lưng vào gối ngủ ngồi xuyên đêm.
Sau 46 tiếng chuyển dạ, Kim Liên sinh bé trai nặng hơn 2,5kg. Em bé ngủ ngày khóc đêm khiến cô căng thẳng, sợ tiếng khóc của con.
“Bé thường khóc từ 18h đến 3h sáng hôm sau. Ba mẹ tôi phải chia ca, thức chăm cháu ban đêm.
Có hôm 3h sáng mà bé chưa ngủ, ba tôi đành nằm nói chuyện với cháu. Đến lúc bé được hơn 5 tháng, tình trạng quấy khóc ban đêm mới dứt hẳn”, Kim Liên kể.
Thời điểm đó, chồng của Liên đi làm xa, ít về thăm vợ con. Cho nên, Kim Liên rất tủi thân, buồn bã.
Con trai hơn 1 tuổi, Kim Liên đi làm lại nên gửi bé ở nhà trẻ. Ba tháng sau, cô phát hiện mình mang thai lần 2.
Cầm kết quả siêu âm, Kim Liên bối rối, chồng cô an ủi: “Con là trời cho, cứ vui vẻ đón nhận”.
Lần mang thai này, Kim Liên được chồng quan tâm nhiều hơn. Anh tạm gác nhiều việc, đưa vợ đi khám, siêu âm.
Trong một lần siêu âm ở phòng khám tư, bác sĩ phát hiện Kim Liên có khối u lớn ở buồng trứng, khuyên cô đến bệnh viện Từ Dũ kiểm tra.
Qua các bước xét nghiệm và sinh thiết, bác sĩ yêu cầu Kim Liên nhập viện, cắt khối u 12cm.
Kim Liên nói: “Bác sĩ tư vấn các hướng điều trị, trong đó có 2 hướng phù hợp nhất. Đó là vừa nuôi thai vừa nuôi khối u hoặc mổ lấy khối u thì có khả năng sinh non.
Tuy nhiên, bác sĩ lưu ý nếu nuôi thai đến tuần thứ 30 thì không đảm bảo việc khối u vỡ trước thời điểm đó. Nếu vỡ khối u thì nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con”.
Bác sĩ dứt lời, Kim Liên lặng lẽ bước ra ngoài, em bé trong bụng đạp liên hồi. Mẹ và chồng đến động viện, dìu cô vào lại phòng của bác sĩ.
Thế nhưng, khi bác sĩ viết giấy nhập viện, Kim Liên dứt khoát ra về, xin thêm 1 ngày về nhà suy nghĩ.
Không sống lâu thì sống sâu
Ngày hôm đó, Kim Liên gọi cho rất nhiều bác sĩ xin lời khuyên. Tất cả đều khuyên cô nên nhập viện, cắt khối u.
Qua hôm sau, Kim Liên đồng ý nhập viện, chấp nhận quá trình điều trị. Trước ca mổ, cô nhiều lần nhờ nữ hộ lý: “Lúc em ra phòng hồi sức, chị phải gọi em dậy nha”.
Nữ hộ lý rất thương hoàn cảnh của Kim Liên, dốc lòng chăm sóc. Chị liên tục gọi: “Em ơi, dậy đi để chị đo tim thai cho em bé”.
Nghe chị hộ lý gọi, Kim Liên nửa mê nửa tỉnh, cố gắng mở mắt ra. Hồi tỉnh, cô vội vàng nhìn xuống bụng.
“Em bé đang đạp. Tôi mừng lắm, con vẫn còn nằm ngoan trong bụng”, Kim Liên xúc động.
Thai nhi đạp liên tục khiến Kim Liên rất đau, không thể ăn uống, phải nằm thở oxy. Được sự quan tâm, động viên từ nhân viên y tế và bệnh nhân khác, cô cố gắng ăn, nuôi con trong bụng.
4 ngày sau ca mổ lấy khối u, Kim Liên xuất viện. Nhưng, 1 tuần sau đó, bệnh viện thông báo với gia đình là cô bị ung thư. Chồng cô không dám đối diện vợ, phải gọi điện thoại để báo tin.
Sau cuộc gọi của chồng, Kim Liên im lặng, tắt điện thoại, không khóc. Ngày đi nhận kết quả, cô được bố đưa đến bệnh viện.
Khi ngang qua khu điều trị ung thư, Kim Liên bắt gặp cảnh các bệnh nhân không có tóc, tay đầy dây truyền thuốc. Cô bất chợt xoa lấy bụng, em bé lại đạp liên hồi.
Ban đầu, Kim Liên lo lắng quá trình điều trị ung thư sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Thế nên, cô từ chối, không tiếp nhận phác đồ điều trị.
Tuy nhiên, bác sĩ giải thích thai nhi đã lớn tháng, hoàn thiện nhiều bộ phận. Vì vậy, việc hóa trị của người mẹ sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng, chỉ là em bé bị nhẹ cân.
Như được tiếp thêm sức mạnh, Kim Liên can đảm đối diện bệnh tật, không khóc, không than thở đau đớn.
Kim Liên nhớ lại: “Mỗi đợt hóa trị, tôi phải ở bệnh viện 7 ngày và cần một người chăm sóc. Đợt đầu, mẹ đi cùng tôi. Tuy nhiên, hình ảnh mẹ ngồi ôm balo, thất thần trước cổng bệnh viện khiến tôi đau lòng.
Tôi cố gắng điều trị, ráng ăn uống cho mau khỏe. Lúc ra viện, tôi chở mẹ về quê và nói mẹ đừng theo chăm tôi nữa. Tôi ổn rồi”.
Ở những lần hóa trị kế tiếp, Kim Liên nhờ người em họ đi cùng. Cô may mắn hợp thuốc, không bị nhiều tác dụng phụ, ngoại trừ việc rụng tóc.
Thai được 38 tuần, Kim Liên ngừng thuốc và sinh một bé gái lành lặn.
Con gái hiểu chuyện, không quấy khóc, thường ngủ xuyên đêm, giúp Kim Liên an tâm điều trị ung thư.
Hiện tại, bệnh tình của cô đã ổn định, 3 tháng tái khám một lần.
Kim Liên sợ đến một ngày các con không còn mẹ bên cạnh. Cô quyết định thay đổi cách sống, suy nghĩ nhẹ nhàng hơn. Không thể sống lâu thì cô sẽ sống sâu, sống chất lượng, cho các con thật nhiều kỷ niệm đẹp.
Theo Ngọc Lài (VietNamNet)