Gạo lứt được xem là nguồn thực phẩm vàng giúp cung cấp năng lượng, cung cấp nhiều khoáng chất và giúp giảm cân nhưng có một số người không nên ăn thực phẩm này.
Gạo lứt hay còn được biết đến với cái tên gọi khác là gạo lật. Khác với gạo trắng thông thường, gạo lứt chỉ được loại bỏ đi lớp trấu ở bên ngoài còn phần cám bên trong nó được giữ nguyên. Phần màng cám chính là nơi chứa đựng rất nhiều những chất dinh dưỡng cần thiết và nó cũng là lý do khiến cho gạo lứt được nhiều người ưa chuộng.
Trong gạo lứt có chứa rất nhiều các chất cần thiết như: chất xơ, carb, protein, chất béo, các loại vitamin B1, B5, B6. Cùng với đó là rất nhiều khoáng chất khác như: sắt, canxi,… Hơn thế, trong loại gạo này cũng chứa một lượng lớn mangan, đây là nguyên tố khoáng có vai trò lớn trong việc hỗ trợ và làm lành các vết thương.
Theo các chuyên gia, tuy gạo lứt rất tốt cho sức khoẻ tim mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tăng cường sức khoẻ của xương và hỗ trợ giảm cân rất hiệu quả, nhưng không phải ai cũng có thể ăn gạo lứt thường xuyên.
5 nhóm người được khuyến cáo không ăn gạo lứt thường xuyên
Người tiêu hóa kém
So với gạo trắng thì khi ăn gạo lứt việc tiêu hóa sẽ trở nên khó khăn hơn vì nó khá cứng và nhiều chất xơ. Trong trường hợp hệ tiêu hóa của bạn không quá ổn định thì việc ăn quá nhiều gạo lứt sẽ đồng nghĩa với việc bắt dạ dày phải làm việc vất vả hơn. Hơn nữa, với những người có hệ tiêu hóa kém thì khi việc sử dụng gạo lứt thường xuyên cũng có thể gây ra tình trạng xuất huyết dạ dày hoặc giãn nứt tĩnh mạch. Tốt nhất với những đối tượng này thì hãy ưu tiên sử dụng gạo trắng.
Người lao động nặng
Gạo lứt là một loại thực phẩm thô, giàu chất xơ nhưng nó cung cấp rất ít chất đạm, chất béo và năng lượng. Chính vì thế, nó sẽ không phù hợp với những người phải hoạt động thể lực nặng và cần nhiều năng lượng để hoạt động. Vì thế, nếu như bạn là người thường xuyên phải hoạt động thể lực nặng thì không nên ăn thường xuyên.
Người có hệ miễn dịch kém
Người đang có hệ miễn dịch kém cũng không nên ăn gạo lứt thường xuyên. Thay vào đó hãy sử dụng những loại thực phẩm có khả năng bổ sung đầy đủ dưỡng chất để giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Trong thành phần của gạo lứt có chứa rất nhiều chất xơ sẽ khiến cho cơ thể giảm sự hấp thụ protein và chất béo. Nó gây ảnh hưởng xấu đến sự hoạt động của các cơ quan trong cơ thể đặc biệt là hệ miễn dịch.
Người bị thiếu hụt canxi
Trong thành phần của gạo lứt có chứa Axit phytic. Được biết, chất này khi vào cơ thể sẽ phản ứng với một số khoáng chất trong cơ thể như canxi, sắt,… và tạo thành kết tủa khiến việc hấp thu dinh dưỡng của cơ thể bị cản trở. Chính vì thế, nếu cơ thể bạn đang thiếu canxi thì không nên sử dụng gạo lứt quá nhiều. Mà thay vào đó hãy ưu tiên bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng khác như thịt, cá,…
Trẻ đang tuổi dậy thì
Tuổi dậy thì là giai đoạn đòi hỏi đặc biệt về sự dinh dưỡng và năng lượng, hơn nữa nó còn có sự hoạt động một cách mạnh mẽ của hormon. Nếu bạn sử dụng gạo lứt quá nhiều nó sẽ không thể cung cấp đủ các chất dinh dưỡng. Đặc biệt, lượng chất xơ trong gạo lứt còn có thể gây ảnh hưởng đến việc hấp thụ dinh dưỡng khiến cơ thể thiếu chất.
Gạo lức ăn bao nhiêu là đủ?
Không nên ăn gạo lứt quá thường xuyên mà chỉ cần ăn 2 – 3 lần mỗi tuần, xen kẽ với gạo trắng.
Thực tế, gạo lứt lành tính và không có những kiêng kỵ khi kết hợp với các thực phẩm khác. Tuy nhiên, trong gạo lứt có chứa axit phytic, chất này khi kết hợp với các chất khoáng tạo thành chất kết tủa, gây cản trở việc hấp thu của cơ thể.
Vì vậy, nếu ăn gạo lứt, tốt nhất là không nên uống sữa, ăn các trái cây giàu axit như hồng, táo gai, dứa… cùng lúc hoặc ngay trước hoặc sau đó để tránh bị tăng nguy cơ khó tiêu, nhanh tạo sỏi, giảm chất dinh dưỡng.
Ngoài ra, nếu ăn gạo lứt vì giảm cân hay hỗ trợ điều trị các bệnh như tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao thì cần chú ý về sự kết hợp thực phẩm hơn. Tốt nhất là nên ăn gạo lứt với nhiều rau củ, món ít dầu mỡ thay vì nhiều thịt cá, chất béo.
PN (SHTT)