Bát đũa là dụng cụ không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày và chúng cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Vì thế có 3 loại bát được giới chuyên gia khuyên không nên mua về dùng, bạn có biết đó là loại nào không?
Trên thị trường hiện nay có vô vàn các loại bát đĩa với mẫu mã, màu sắc đa dạng khác nhau nhưng để chọn mua được những sản phẩm bát đĩa an toàn, đạt chất lượng, giá cả phải chăng, không phải điều đơn giản. Nếu mua phải những sản phẩm kém chất lượng, chất độc hại từ bát có thể thôi nhiễm ra thực phẩm, ẩn họa gieo rắc nhiều căn bệnh nguy hiểm.
Dưới đây là 3 loại bát được giới chuyên gia khuyên không nên mua về dùng vì có thể gây hại cho sức khỏe, thậm chí gây ung thư mà bạn cần biết.
1. Bát sứ có màu men quá sặc sỡ
Khi lựa chọn bát đĩa làm bằng gốm sứ, người tiêu dùng không nên ham các sản phẩm có màu sắc quá bắt mắt, hoa văn cầu kỳ bởi chúng thường sử dụng nhiều chì để tăng độ bám dính, độ sắc nét, màu mè của hoa văn.
Nhiễm độc chì sẽ gây sụt cân, buồn nôn, đau bụng, tăng nguy cơ cao huyết áp,… về lâu về dài sẽ gây ra các bệnh về thận và não. Đáng lo ngại nhất là chì làm ảnh hưởng xấu tới trí tuệ trẻ em, nồng độ chì trong máu càng tăng thì chỉ số IQ của trẻ càng giảm. Chì trong máu tăng thêm từ 1-4mcg/dL thì chỉ số IQ giảm 2,3 – 5,2 điểm (trung bình giảm 3,7 điểm). Ngày càng có nhiều nghiên cứu thuyết phục cho thấy ngay cả với chì trong máu <10mcg/dL, vẫn có mối liên quan tỷ lệ nghịch giữa chì máu và chỉ số IQ.
2. Thân bát gồ ghề, họa tiết phức tạp
Loại bát này không chỉ khó sử dụng mà còn gây phiền phức trong khâu vệ sinh do kết cấu phức tạp của bát, khiến vi khuẩn dễ tích tụ, cặn thực phẩm không dễ được làm sạch. Loại bát này không chỉ gây mất vệ sinh mà còn có thể khiến cơ thể dễ nhiễm khuẩn, đặc biệt là các căn bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa.
3. Bát giả sứ
Bát giả sứ được nhiều người yêu thích vì đẹp mắt, giá rẻ, tuy nhiên nhiều loại bát giả sứ kém chất lượng thường được làm từ nhựa melamine, sử dụng trong nước nóng có thể giải phóng formaldehyde.
IARC – Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế thuộc WHO cũng đã liệt kê formaldehyde vào danh sách các chất gây ung thư cấp 1. Tiếp xúc lâu dài có thể gây ra ung thư vòm họng, ung thư hạch bạch huyết, u não, bệnh bạch cầu…
Vậy nên chọn bát đĩa như thế nào là an toàn?
Nguyên tắc chung khi chọn mua bát đĩa an toàn là ưu tiên cho những sản phẩm có thương hiệu và nguồn gốc rõ ràng. Đây là điều quan trọng vì nó minh chứng cho việc sản phẩm đã được đăng ký và kiểm tra chất lượng.
Để giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết sản phẩm có đạt chất lượng hay không, trên mỗi sản phẩm đã được công bố hợp quy thường sẽ được gắn dấu CR (tem hợp quy).
Theo đó, các sản phẩm bát, đĩa bằng gốm sứ phải đảm bảo các chỉ tiêu về hàm lượng chì, cadmi, còn đối với những sản phẩm bằng nhựa là những chỉ tiêu về phenol, formaldehyde,…
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh bao bì, dụng cụ phải công bố hợp quy theo các yêu cầu của quy chuẩn này. Tổ chức, cá nhân chỉ được phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh bao bì, dụng cụ sau khi đã được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy và đáp ứng các quy định pháp luật hiện hành khác có liên quan.
Ngoài ra chúng ta nên chọn những bộ bát màu trắng để tránh nguy cơ ngộ độc chì. Không nên chọn loại men sứ có hoa văn sặc sỡ, tốt nhất là men đồng màu, càng đơn giản càng tốt. Trong tất cả các chất liệu bát thì bát thủy tinh là loại an toàn nhất nhưng khi dùng bát thủy tinh, các bạn không nên đổ nước quá nóng vì có thể khiến bát bị vỡ.
PN (SHTT)