Nhúng kem đánh răng vào nước trước khi đánh răng có đúng không?

Hàng ngày, chúng ta vẫn đánh răng 2-3 lần nhưng bạn có bao giờ thắc mắc về việc có nên nhúng kem đánh răng vào nước trước hay không?

Nhúng kem đánh răng vào nước trước rồi mới đánh răng có sai không?

Nhiều người có thói quen là nặn kem đánh răng lên bàn chải, nhúng vào nước xong rồi mới đánh. Tuy nhiên, hành động này bị một số người cho là sai bởi vì nếu nhúng kem đánh răng vào nước sẽ dễ dàng tạo bọt nhiều hơn, toàn bộ miệng bị phủ kín bọt và mọi người sẽ có ý muốn nhổ bọt ra càng nhanh càng tốt, hàm lượng kem đánh răng trong miệng sẽ giảm.

Kem đánh răng có thành phần chính là chất silicon dioxide có tính ma sát, bào mòn. Tác dụng lớn nhất của chất này là cọ xát lên bề mặt răng nhằm tẩy sạch các mảng bám và loại bỏ vi khuẩn trú ngụ trên răng.

Theo bác sĩ Ngô Thúy, Phó Trưởng khoa răng miệng, bệnh viện Nhân dân tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc) cho biết, muốn làm sạch các mảng bám cũng như vi khuẩn chứa trên răng không phụ thuộc vào kem đánh răng mà quan trọng ở cách bạn chải, đánh răng.

Trường hợp bạn chải răng đúng cách và hiệu quả, bạn sẽ không cần sử dụng kem đánh răng mà vẫn có hiệu quả.

Như vậy có thể hiểu rằng, nhúng bàn chải vào nước hoàn toàn không ảnh hưởng gì tới việc vệ sinh răng miệng mà chính cách bạn chải răng mới ảnh hưởng.

Nhúng kem đánh răng vào nước trước khi đánh răng có đúng không?
Ảnh minh họa

Tiến sĩ Payal Bhalla, Giám đốc lâm sàng của Quest Dental (Anh) khuyên bạn không nên cho kem đánh răng lên bàn chải khi chúng còn khô. Đó chỉ là thói quen rất nhỏ nhưng có thể gây hại cho răng nướu. Theo vị bác sĩ này thì nên làm ướt bàn chải rồi hãy cho kem đánh răng lên. Tiến sĩ giải thích: “Làm ướt bàn chải đánh răng trước tiên là điều cần thiết vì nhiều lý do. Thứ nhất, kem đánh răng sẽ được trải đều, đảm bảo độ bao phủ tốt hơn trên bề mặt răng. Nhờ đó, nâng cao hiệu quả làm sạch và loại bỏ triệt để mảng bám, mảnh vụn thức ăn”.

Cách làm này còn giúp cho răng nướu được chăm sóc nhẹ nhàng. Khi được làm ướt, lông bàn chải sẽ mềm hơn, đặc biệt ở Việt Nam vào mùa hanh khô bàn chải có thể cứng lại do thời tiết. Làm ướt bàn chải giúp giảm kích ứng nướu và chúng mềm sẽ không hại lớp men răng.

Ông còn bổ sung thêm thông tin rằng: “Ngoài ra, độ ẩm sẽ kích hoạt các thành phần kem đánh răng, tăng hiệu quả chống lại vi khuẩn và duy trì vệ sinh răng miệng. Bằng cách làm ướt bàn chải đánh răng, bạn có thể cải thiện trải nghiệm đánh răng tổng thể và có sức khỏe răng miệng tốt hơn. Đây là một bước đơn giản nhưng có giá trị trong thói quen chăm sóc răng miệng hằng ngày”.

Trong khi đó nếu bạn cho kem đánh răng phủ lên bàn chải khô thì có thể khiến răng miệng bị tổn thương nhiều hơn. Lông bàn chải khô làm mòn men răng, đó là một nguy cơ khiến răng yếu, mất men, ố vàng, đen xỉn. Hơn nữa cách đánh răng như vậy về lâu dài cũng sẽ làm răng tăng nguy cơ bị ê buốt răng và làm tăng nguy cơ bị sâu răng.

Chải răng khi bàn chải khô cũng dễ làm tăng nguy cơ bị tụt nướu và không hiệu quả trong việc loại bỏ mảm bám răng. Tiến sĩ Bhalla cảnh báo thêm rằng đánh răng không đúng cách là nguyên nhân làm hôi miệng và thậm chí đổi màu răng. “Đánh răng kiểu như vậy có thể làm mòn lông bàn chải nhanh hơn, giảm thời gian sử dụng và hiệu quả do tích tụ vi khuẩn, gây hôi miệng. Đánh răng không có bọt khó loại bỏ hiệu quả các vết bẩn trên bề mặt răng, dẫn đến đổi màu răng theo thời gian”, ông nói thêm.

Nhúng kem đánh răng vào nước trước khi đánh răng có đúng không? - 1

Ảnh minh họa

Cách đánh răng đúng ra sao?

Cách đánh răng hiệu quả nhất là nhúng nhẹ bàn chải vào nước trước để giúp kem có khả năng tạo bọt, nhờ đó tăng khả năng cọ xát hơn khi chúng ta vệ sinh răng miệng. Hoặc bạn có thể làm sạch miệng bằng nước rồi bắt đầu đánh răng.

Khi đánh răng bạn cần lưu ý để bàn chải gần với vùng tiếp nối giữa răng và nướu, vùng chân răng. Chải đều theo hướng từ nướu răng lên trên, bạn cần chải từ 7 – 8 lần cùng 1 vị trí, sau đó để bàn chải bám sát vào vùng mặt răng, tiếp tục đánh thêm 7 – 8 lần ở phần bề mặt răng (nơi tiếp giáp giữa hàm trên và hàm dưới).

Ngoài ra, khi đánh răng nên dùng lực vừa phải, chải đều tất cả các mặt răng. Sau đó, cắn 2 hàm răng chặt lại để đánh thêm phần phía ngoài. Thời gian đánh răng nên kéo dài trong vòng 3 – 4 phút là đủ. Và bạn nên duy trì thói quen đánh răng ngày 2 lần để có hàm răng trắng, khỏe.

Như vậy, việc đánh răng tưởng chừng là chuyện nhỏ nhưng nó chưa bao giờ là dễ dàng. Bởi nếu đánh sai cách, thực hiện sai các bước sẽ khiến răng hư tổn và không có tác dụng làm sạch các mảng bám trên răng.

Đánh răng và “bộ quy tắc vàng” bạn cần nắm rõ

– Đánh răng một cách nhẹ nhàng, không quá mạnh để răng và nướu không bị tổn thương.

– Mỗi lần đánh răng nên kéo dài trong ít nhất 2 phút để bàn chải có đủ thời gian làm sạch khoang miệng.

– Đánh răng sau khi ăn khoảng 30 phút: nếu ngay khi vừa ăn xong bạn đã đi đánh răng ngay sẽ không tốt cho men răng của bạn. Nguyên nhân là vì thời điểm này khoang miệng có tính axit cao và nồng độ pH trong răng đang thấp hơn bình thường, do đó đánh răng ngay sau ăn sẽ làm mài mòn men răng của bạn.

– Chăm sóc kỹ phần răng hàm: nhiều người chỉ chú trọng chải phần răng phía ngoài và lướt qua phần răng bên trong. Để đảm bảo chiếc răng nào cũng được làm sạch thì bạn cần đánh kỹ cả phần răng hàm vì đây là những nơi lưỡi tiếp xúc thường xuyên.

– Làm sạch kẽ răng trước khi chải: hãy xỉa răng bằng chỉ nha khoa hoặc tăm nước để loại bỏ phần thức ăn thừa còn dính trong kẽ răng.

– Bên cạnh kem đánh răng, bạn cũng có thể sử dụng thêm các loại nước súc miệng chuyên dụng để loại bỏ vi khuẩn gây hôi miệng.

– Bàn chải đánh răng nên thay từ 3-6 tháng một lần. Các loại kem đánh răng cũng cần được xem xét xem chúng có thực sự đảm bảo cho răng lợi không nhé.

NT (SHTT)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *