Con sinh ra nhưng đẹp trai, trắng trẻo hơn mình khiến người đàn ông nổi cơn ghen. Ông cho rằng vợ mình đã phản bội mình, trong cơn ghen ông đã đuổi đánh vợ con và ở một mình hơn 20 năm.
Tan vỡ hạnh phúc vì con đẹp hơn mình
Một ngày cuối tháng 7, trời nắng như thiêu như đốt, Sơn (27 tuổi) bế một đứa trẻ 3 tuổi đến gặp Ths. Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền Hà Nội, với gương mặt nhiều nét buồn và khắc khổ, khó diễn tả.
Đặt đứa bé xuống ghế, chàng trai tâm sự tới trung tâm muốn dùng phương pháp giám định ADN, để xác định quan hệ huyết thống.
Ngỡ rằng, cậu thanh niên nghi ngờ con trai không cùng dòng máu với mình nên mới mang con đi giám định. Nhưng khi hỏi câu chuyện, Sơn tâm sự: “Cháu muốn giám định con trai để chứng minh huyết thống với một người… Một người cháu vừa hận vừa thương”.
Ngạc nhiên vì câu trả lời đó, bà Nga hỏi thêm về câu chuyện lạ. Sơn mới trầm ngâm kể lại quá khứ không mấy vui vẻ của bản thân.
Sơn tâm sự, cậu sống trong vòng tay họ hàng từ khi lên 4 tuổi. Sơn không được bố đẻ công nhận, mẹ mất nên cậu được họ hàng cưu mang.
Hơn 20 năm về trước, mẹ Sơn trước khi kết hôn là một người vô cùng xinh đẹp trong làng, có nhiều người theo đuổi. Trong đó có một thanh niên khôi ngô tuấn tú trong làng, bà cũng siêu lòng. Tuy nhiên, sau thời gian tìm hiểu, bà phát hiện người thanh niên này vô cùng đào hoa, một lúc “bắt cá nhiều tay”.
Bà quyết định chọn một người không đẹp trai nhưng hiền lành và đứng đắn. Sau đó cả hai tiến tới hôn nhân và bà mang thai sau đó sinh ra Sơn. Từ khi Sơn ra đời, sóng gió gia đình bắt đầu nổi lên. Sơn càng lớn càng đẹp trai, không giống bố một chút nào khiến ông nổi cơn ghen, nghi ngờ vợ ngoại tình, gian díu với tình cũ.
“Không chấp nhận được khi con trai lại đẹp trai như tình cũ của vợ. Không muốn nhìn mãi đứa con của ‘kẻ khác’ trong nhà mình, bố đã dứt tình, đuổi hai mẹ con ra khỏi nhà”, Sơn kể.
Mang tiếng oan, mẹ mang Sơn về ngoại trong tiếng gièm pha, sống trong uất ức bà nhiều lần định tự vẫn, kết liễu đời mình. Thế nhưng nhìn đứa con quá nhỏ dại, người phụ nữ lại dằn lòng nhẫn nại. Cho đến khi Sơn lên 4 tuổi, vào một đêm tối, bà gửi cậu cho người chị họ và ra đi.
Về phần bố Sơn, từ khi đuổi hai mẹ con đi, ông trở nên cục cằn, thô lỗ, khó tính khủng khiếp. Nhất là lúc nghe tin vợ mất, ông ngoài mặt lạnh lùng nhưng trong lòng cũng đau khổ.
“Người ta đưa cháu về cho bố nhưng bố nhất quyết không nhận, vì luôn cho rằng cháu không phải con của ông. Cháu đành nương nhờ họ hàng từ bé đến lớn. Cháu rất hận bố, sống thiếu tình thương của cả bố, mẹ từ bé cháu càng tổn thương và thù ghét người đã sinh ra mình nhưng chối bỏ trách nhiệm”, Sơn nhớ lại.
Lớn lên, lập gia đình và sinh con, Sơn thấy bố cô độc, thu mình trong căn nhà nhỏ, ít tiếp xúc với người xung quanh. Theo lời kể của chàng thanh niên, kể từ khi ông quyết không nhận Sơn, cả làng đã tẩy chay và không muốn tiếp xúc với ông. Ông bỗng dưng trở thành người cô độc nhất trong ngôi làng yên bình.
Trưởng thành mang trong mình nỗi uất hận nhưng len lỏi trong thâm tâm, Sơn vẫn thương người đàn ông sinh ra mình.
Trái ngọt cho sự bao dung
Xuất phát từ tình cảm ấy, Sơn quyết định phải làm gì đó. Năm 2022, nghe tin bố ốm nặng, cậu đưa con về thăm, họ hàng nhìn thấy ai ai cũng thốt lên ‘thằng bé sao giống ông nội đến vậy’, khiến Sơn cũng ngạc nhiên theo.
Vì nhìn hai ông cháu như một khuôn đúc ra. Ấy vậy, ông bố Sơn vẫn nghi ngờ mà buông lời cay đắng: “Làm sao tao tin được đó là con mày, ngày trước phụ nữ bị ràng buộc bởi lễ giáo phong kiến như vậy mà còn lăng nhăng nữa là bây giờ, thời hiện đại, họ tha hồ mà buông thả. Công việc của mày còn nay đây mai đó… có gì chứng minh được lòng chung thuỷ của vợ mày. Nếu đúng là con mày, thì tao hạnh phúc quá. Cùng lúc tao được nhận cả con, cả cháu, tao còn mong gì hơn thế nữa cơ chứ”.
Cũng vì những lời đó khiến Sơn quyết tâm tìm cách nhỏ bỏ đi hoài nghi của bố mình. Sơn quyết định đưa con trai đi xét nghiệm, thay vì đưa bố đi bởi cậu biết chắc chắn ông sẽ không thực hiện cùng.
“Kết qủa cậu con trai 3 tuổi là con ruột của Sơn. Điều này khiến cậu rất vui mừng, tờ giấy giám định đã làm thay đổi cục diện, nỗi hàm oan của mẹ cậu được hoá giải. Ông bố cuối cùng cũng nhìn nhận lại lỗi lầm và nhận lại con cháu.
Câu chuyện của Sơn cũng khiến tôi vô cùng xúc động. Một đứa con bị ruồng bỏ nhưng đã có tấm lòng rộng mở, biết thương cảm và vị tha đối với người cha, một tình yêu bao la với người mẹ. Tình cảm đó thật đáng trân trọng”, bà Nga chia sẻ.
*Tên nhân vật đã được thay đổi
Theo Mộc Trà (Đời Sống & Pháp Luật)