Đã có không ít vụ tai nạn thương tâm xảy ra với trẻ em khi sử dụng, chơi đùa với cửa cuốn. Một phần do chất lượng sản phẩm nhưng một phần do sự bất cẩn của người sử dụng cửa gây ra.
Các vụ tai nạn thương tâm do cửa cuốn
Trước cửa ngôi nhà mới xây dựng xong, một bé gái đứng chơi đùa. Cháu đưa tay bấm nút đóng cửa cuốn nhưng vẫn ngồi ngay phía dưới. Chiếc cửa cuốn dần dần kéo xuống, khi chạm vào bé gái, cửa không có dấu hiệu dừng lại mà tiếp tục ghì chặt bé xuống nền nhà. Lúc này, bé gái cố gắng vùng vẫy thoát ra nhưng không thể.
Trao đổi với VietNamNet, ông Vũ Tân Dậu, Chủ tịch UBND phường Tiên Nội, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam cho biết: “Cháu bé khi đóng cửa cuốn vẫn chơi đùa phía dưới nên không may bị cửa đè lên người. Thời điểm xảy ra vụ việc không có ai ở nhà. Khi mẹ cháu bé về thì cháu đã tử vong”.
Trước đó, một vụ tai nạn xảy ra với bé trai 11 tuổi tại TP Hạ Long (Quảng Ninh) từng khiến dư luận xôn xao. Cháu bé bị cửa cuốn đè lên ngực, không kịp chạy thoát ra ngoài. Gia đình phát hiện đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng, cháu không qua khỏi. Theo gia đình, trước khi xảy ra sự việc ít ngày, cửa bị sét đánh trúng khiến cảm biến bị hỏng. Gia đình chưa kịp sửa chữa thì xảy ra sự việc đau lòng.
Ngày 17/1, một cháu bé ở Lâm Đồng cũng gặp phải tai nạn khi bị cửa cuốn đè vào tay. Rất may cháu bé đã được lực lượng chức năng phá cửa, giải cứu kịp thời.
Làm gì để giảm thiểu tai nạn do cửa cuốn
Trao đổi với VietNamNet, anh Phan Lâm – kỹ sư một thương hiệu cửa nhập khẩu lớn, có 15 năm đi lắp đặt cửa cuốn tại Hà Nội – chia sẻ kinh nghiệm phòng chống tai nạn cửa cuốn.
“Tất cả các loại cửa cuốn từ tấm liền hay thanh nan đều có hệ thống chống xô. Khi gặp vật cản, cửa sẽ ngay lập tức dừng lại tránh va chạm gây xô lệch cửa. Khi mới lắp đặt cửa cuốn, gia đình cần kiểm tra xem hệ thống này có hoạt động hay không để đảm bảo an toàn, tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc”.
Anh Lâm cũng cho biết, trong quá trình sử dụng, gia đình cần lưu ý bảo dưỡng cửa cuốn. “Thỉnh thoảng chủ nhà nên kiểm tra hệ thống cảm biến xem có hoạt động không. Nhiều trường hợp đã bị hỏng do dây tiếp mát bị đứt hoặc rơ le tiếp xúc kém. Chỉ cần dơ tay phía dưới khi cửa cuốn đang hạ xuống, nếu cảm biến tốt, cửa sẽ dừng lại và đảo chiều hoạt động khi gặp vật cản”.
Khi không may trong nhà xảy ra sự cố hỏa hoạn – mất điện, bộ lưu điện sẽ giúp người bên trong vẫn mở được cửa thoát ra ngoài. Vì vậy, cứ 2-3 tháng, gia đình nên vận hành đóng mở cửa cuốn bằng bộ lưu điện.
Gia đình cũng nên hướng dẫn người trong nhà, nhất là trẻ nhỏ, cách sử dụng cửa cuốn an toàn, không coi cửa cuốn là đồ chơi, tránh tai nạn đáng tiếc.
“Khi thấy cửa có dấu hiệu bất thường, hãy gọi nhà cung cấp tới bảo dưỡng, sửa chữa để đảm bảo cửa cuốn luôn hoạt động ổn định”, anh Lâm nói thêm.
Trước nhiều vụ việc tai nạn liên quan tới cửa cuốn, ngày 21/6, trang Fanpage của Công an TP Hà Nội đưa ra khuyến cáo đến mọi người dân, nhất là các phụ huynh, về cách phòng tránh tai nạn khi sử dụng cửa cuốn.
Trong trường hợp gia đình có trẻ nhỏ, việc giám sát hướng dẫn trẻ sử dụng cửa cuốn rất quan trọng. Đặc biệt với trẻ dưới 6 tuổi, bố mẹ cần tuân thủ nguyên tắc không cho trẻ tự mở hoặc điều khiển cửa cuốn. Không để trẻ ở nhà một mình, khóa trái cửa mà cần có sự trông coi giám sát của người lớn.
Ngoài ra, không nên sử dụng cửa cuốn như một trò chơi cho trẻ bằng cách kéo lên hoặc kéo xuống một cách vô ý, vì điều này có thể gây nguy hiểm không đáng có.
Cần thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng cửa cuốn. Cửa nên được bảo dưỡng 6 tháng/lần. Các thợ bảo dưỡng sẽ đến kiểm tra bộ lưu điện, kiểm tra các dây nối, bộ tời, tay điều khiển hoặc vệ sinh cửa để chắc chắn các bộ phận vẫn hoạt động bình thường.
Trang bị bộ bình lưu điện cửa cuốn (đây là một thiết bị có nhiệm vụ cung cấp nguồn điện dự phòng cho motor cửa cuốn). Trong trường hợp điện áp sụt giảm hoặc mất điện lưới, không thể nào mở được cửa cuốn khi bị cúp điện, bình lưu điện có chức năng hỗ trợ cho hệ thống cửa cuốn đóng/mở dễ dàng.
Khi bị nạn, cần sự giúp đỡ liên hệ ngay với lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH trong trường hợp khẩn cấp theo số 114.
Theo Lam Giang (VietNamNet)