Đưa người bị nạn tới nơi an toàn, thoáng khí, xử trí chấn thương nặng trước, nhất là ép tim thổi ngạt nếu nạn nhân ngưng thở.
Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn lời TS. Nguyễn Như Lâm, Phó Giám đốc Viện Bỏng Quốc gia cho biết, trong các vụ cháy, nạn nhân rất dễ bị ngộ độc bởi khói độc tạo ra trong đám cháy. Khi luồng khói sộc thẳng vào mặt có thể khiến nạn nhân ngất xỉu ngay tại chỗ. Nạn nhân của các vụ cháy cũng có nguy cơ bỏng đường hô hấp rất cao. Bởi trong các vụ cháy, nhiệt độ lên quá cao khi hít phải khí nóng sẽ gây tổn thương niêm mạc, đường thở từ mũi, miệng đến phổi.
Tình trạng bỏng hô hấp sẽ khiến người bệnh nhanh chóng bị phù nề. Trong đám cháy, lượng ôxy đang thiếu lại càng trở nên thiếu hơn do người bệnh khó thở. Quá trình này kéo dài sẽ khiến người bệnh ngộ độc do thiếu ôxy, ngất xỉu.
Theo TS. Lâm, bệnh nhân bỏng hô hấp thường bị tổn thương phổi rất nghiêm trọng, để lại nhiều biến chứng như suy hô hấp. Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân bị bít tắc đường thở do đờm dãi, do niêm mạc hoại tử và bong ra rơi vào đường thở dẫn đến tử vong. Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân bị viêm phổi, mắc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, tỷ lệ tử vong 80%.
Cũng chia sẻ với nguồn tin trên, BS. Nguyễn Thống – nguyên Trưởng khoa Cấp cứu Bỏng – BVĐK Xanh Pôn cho biết, một nguyên tắc thoát nạn rất quan trọng khi xảy ra cháy là mọi người cần lấy khăn thấm nước che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thở, tránh bị ngạt khói gây nguy hiểm. Nạn nhân có thể sử dụng mặt nạ chống khói (nếu có). Đặc biệt, khi di chuyển, nên cúi thấp người vì khói luôn luôn bay lên cao, nhằm giảm lượng khói hít vào thấp nhất có thể. Không sử dụng thang máy, nên thoát ra ban công chờ người cứu hoặc xuống cầu thang bộ.
Về nguyên tắc sơ cứu nạn nhân ngạt khói, cần phải phục hồi hơi thở một cách đầy đủ và nhanh nhất. VnExprss dẫn lời bà Trang Nguyễn, người đồng sáng lập Doanh nghiệp xã hội Kỹ năng sinh tồn SSVN (chuyên đào tạo các khóa học sơ cấp cứu và thoát hiểm cho người dân) cho biết, trước tiên phải nhanh chóng đưa nạn nhân đến nơi thoáng mát, có đủ khí oxy.
Tùy vào tình trạng chấn thương của từng người để có cách xử trí phù hợp. Trong đó phải gọi người cấp cứu và ưu tiên xử trí vấn đề nghiêm trọng trước, đặc biệt là hồi sức tim phổi cho người đã ngưng thở, sau đó đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để được điều trị kịp thời.
Với người còn tỉnh táo và hô hấp được thì để họ nằm, ngồi nghỉ ở chỗ râm mát, thoáng khí. Nên cho họ uống nước để giảm nhiệt độ cơ thể cũng như bù lượng nước đã mất.
Nếu nạn nhân bất tỉnh nhưng vẫn hô hấp được, cho họ nằm nghiêng để đờm dãi không làm bít đường thở. Trường hợp có bình oxy nên cho họ thở ngay.
Trường hợp nạn nhân bất tỉnh, ngừng thở, thở bất thường phải hồi sinh tim phổi (ép tim, hà hơi thổi ngạt) trước. Trước khi thao tác, cần đặt nạn nhân nằm lên bề mặt cứng. Người sơ cứu lồng hay bàn tay vào nhau và đặt cườm tay ngay giữa lồng ngực (vị trí giữa hai núm vú), sau đó ép xuống nhanh, mạnh. Mỗi nhịp lồng ngực lún sâu xuống khoảng 5-6 cm. Sau mỗi 30 lần ép tim thì thực hiện thổi ngạt hai lần. Lặp lại các thao tác liên tục cho đến khi nạn nhân có sự sống hoặc được nhân viên cấp cứu chuyên nghiệp đến hỗ trợ.
Khi thổi ngạt, người sơ cứu dùng miệng thổi hơi thở của mình vào miệng của nạn nhân, đồng thời dùng tay để bịt chặt mũi và ngược lại (tức là thổi vào mũi thì bịt chặt miệng), để hơi thở không bị thoát ra ngoài.
Trong hơi thở bình thường có chứa khoảng 15-16% oxy. Các thao tác hồi sức tim phổi này sẽ cung cấp oxy cho máu, cũng như đẩy máu từ tim đến não và các tạng quan trọng, giúp duy trì sự sống tối thiểu cho người bị nạn, bà Trang cho hay.
Ngoài ra, nếu phát hiện nạn nhân có dị vật, đàm nhớt trong mũi miệng cần móc ra để làm thông thoáng đường thở của họ.
Nếu nạn nhân bị bỏng, cần dội nước sạch nhẹ nhàng lên vùng bỏng để xoa dịu cơn đau, giúp nhiệt độ cơ thể thoát ra ngoài nhanh chóng. Tùy mức độ bỏng, thời gian dội có thể 10-20 phút hoặc lâu hơn, cho đến khi nạn nhân cảm thấy cơn đau bớt bỏng rát, không còn phừng phừng nữa.
“Tuyệt đối không nên dùng đá lạnh hoặc nước quá lạnh để xối, chườm trực tiếp lên người nạn nhân”, bà Trang nói. Nguyên nhân là cơ thể họ đang bị bỏng nóng, da chưa điều tiết về lại nhiệt độ bình thường mà dội ngay đá lạnh sẽ gây bỏng lần hai là bỏng lạnh.
Ngoài ra, nên cởi quần áo, tháo bỏ trang sức, phụ kiện… ở vùng da bị bỏng. Khi vùng bỏng sưng lên, phồng rộp, các lớp quần áo, trang sức này có thể dính chặt vào vết thương, vừa khó cởi bỏ và gây đau đớn, trợt da.
Sau đó, có thể dùng màng bọc thực phẩm sạch để đắp lên vết thương, để che bụi bẩn, tránh nhiễm trùng cho nạn nhân. Lúc này, nếu nạn nhân vẫn đau rất nhiều, có thể dùng đá lạnh chườm với tác dụng giảm đau và đưa họ tới bệnh viện.
PN (SHTT)