Cũng may, ông bố đứng gần đó đã ứng biến kịp thời.
Chuyển từ mẫu giáo lên lớp 1 là bước ngoặt trong cuộc đời mỗi đứa trẻ. Thay vì tha hồ chạy nhảy, vui chơi, các em sẽ phải đi vào nề nếp với lớp học trật tự, nghiêm túc. Điều này có thể khiến bé cảm thấy sợ hãi đến trường và mệt mỏi với việc học.
Nếu lúc này, phụ huynh biết cách động viên, tạo được cho con tâm lý hứng thú, hào hứng thì con sẽ có suy nghĩ rằng lớp 1 rất thú vị và sẽ có nhìn nhận tốt về việc đi học. Ngược lại, nếu con không được chuẩn bị sẽ rất dễ bị sốc.
Một chuyên gia tâm lý từng kể, khi con trai sắp bước vào tiểu học, mẹ của anh đã nói đùa với cháu rằng: “Những ngày tươi đẹp của con đã qua rồi”. Đứa trẻ lúc đó vô cùng sợ hãi và hỏi: “Cuối cùng lớp 1 là thế nào vậy ạ?”. Người bà móm mém cười, giải thích: “Con sẽ không được chơi nhiều, phải học suốt ngày, ngồi yên và không được chạy nhảy nữa”. Bà nói đến đâu, đứa trẻ xanh mặt đến đấy.
Rất may, chuyên gia lúc đó đứng bên cạnh, kịp thời ngăn lời mẹ, rồi giải thích với con: “Ngày tươi đẹp ở mầm non đã qua, nhưng ngày tốt lành tiểu học con vừa mới bắt đầu. Ở đó, con sẽ có nhiều bạn mới, được học nhiều môn học hay ho chưa học ở mẫu giáo bao giờ. Con có thể tự đọc sách mà không cần bố đọc nữa. Hồi xưa đi học, bố thích nhất là lớp 1 con ạ”.
Nghe tới đây, cậu con trai mới thở phào, giục bố lấy cặp sách để chuẩn bị đồ dùng tuần sau đi học.
Chuyên gia này cho biết, cha mẹ không nên dọa, hoặc kể về việc học lớp 1 với những điều nặng nề, trách nhiệm sẽ khiến con sợ hãi. Không nên nói với con những câu như: “Bài tập về nhà nhiều nên ngày nào con cũng không thể chơi được”, “con phải ngồi suốt trong lớp”... điều này làm trẻ có cảm giác chán ghét việc đến trường.
Để tạo tâm lý thoải mái, cha mẹ có thế cho con làm quen dần với mô hình lớp 1 từ trước như đưa con tham quan trường tiểu học, đóng vai để con hiểu về cách tương tác của giáo viên tiểu học, kể cho con nghe về những việc con sẽ làm khi vào bậc học này như sẽ dậy sớm hơn, cô giáo có thể sẽ giao bài tập, giờ chơi của con sẽ ít lại…
Chúng ta nên mô tả một cách khách quan những vấn đề con có thể gặp phải, cuộc sống ở trường để giúp con chuẩn bị tâm lý. Nhưng bên cạnh đó cũng nhấn mạnh những điều thú vị, để con hiểu rằng tiểu học là điểm khởi đầu cho những ước mơ của con.
Bên cạnh đó, đừng quên chuẩn bị những điều sau đây để con vào lớp 1 thật suôn sẻ:
3 khía cạnh cần lưu ý
1. Khả năng tự chăm sóc
Khả năng tự chăm sóc rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ, vì nó là nền tảng cho cuộc sống tự lập sau này. Vì vậy, cha mẹ nên cố gắng hết sức để con tự làm mọi việc một cách độc lập, dù là trong học tập hay cuộc sống. Ví dụ, để trẻ chuẩn bị quần áo sẽ mặc vào ngày hôm sau trước khi đi ngủ, sắp xếp cặp sách,… Khi trẻ cần sự giúp đỡ thì cha mẹ nên hỗ trợ chứ không hoàn thành những công việc này thay con.
Đặc biệt khi sắp xếp cặp sách, một số phụ huynh lo lắng nên tự mình làm, dẫn đến việc trẻ có thể đổ trách nhiệm quên mang bài tập về nhà cho cha mẹ.
2. Điều chỉnh lối sống
Duy trì một lịch trình làm việc và nghỉ ngơi tốt, đi ngủ sớm và dậy sớm, đọc sách vào ban đêm và đừng bỏ ăn sáng. Nếu thời khóa biểu của trẻ không đều đặn, trẻ có thể vội vã đến trường sau khi ăn được vài miếng, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả học tập và sức khỏe của trẻ. Một số trẻ có thể bơ phờ, ngủ gật trong buổi học đầu tiên hay bụng cồn cào trước giờ học, làm sao có tâm trạng học tập tốt được?
Trong một hoặc hai tuần đầu tiên sau khi khai giảng, phụ huynh nên đón con đúng giờ, tốt nhất nên đến địa điểm đón đã thỏa thuận trước với trẻ vì trẻ có thể chưa quen. Ra ngoài nhưng không tìm được bố mẹ, các em sẽ cảm thấy khó chịu, lo lắng.
3. Xây dựng thói quen học tập
Cha mẹ cần giám sát và đồng hành khi con mới nhập học để giúp trẻ hình thành thói quen tốt.
Tập trung rèn thói quen trong một tháng ở lớp một còn hiệu quả hơn là một năm ở lớp năm và lớp sáu. Trẻ phát triển những thói quen tốt, chúng sẽ tự học mà không cần sự quản lý của cha mẹ. Ngược lại, cha mẹ phải thúc giục trẻ học tập mỗi ngày, điều này sẽ khiến phụ huynh mệt mỏi và trẻ sẽ cảm thấy khó chịu, từ đó dẫn tới việc chán học, học vì nghĩa vụ.
Theo Hiểu Đan (Phụ Nữ Việt Nam)