Đang hào hứng tẩy tóc sau lễ tốt nghiệp đại học để có diện mạo mới, cô gái ở Hà Nội bỗng cảm giác đỉnh đầu như “bùng cháy”, bỏng rát. Bốn ngày sau cô nhập viện với vết thương trên đầu đã lở loét, chảy mủ.
Bệnh nhân là N.T.M, 22 tuổi. Trước khi đến viện, nhân viên cửa hàng tóc đã xử lý nhưng tình trạng bỏng rát của cô không thuyên giảm.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho biết nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vùng đỉnh đầu viêm loét, ở chính giữa hoại tử rộng, màu tím đen.
Chia sẻ với bác sĩ, bệnh nhân cho hay, thợ làm tóc ngoài ủ hóa chất còn gia tăng nhiệt để sớm đạt hiệu quả, chính điều này khiến tổn thương gặp phải của bệnh nhân càng nặng, vừa bị bỏng hóa chất vừa bỏng nhiệt.
“Bệnh nhân vào viện muộn, tổn thương nặng, thầy thuốc phải cạo trọc đầu của bệnh nhân, cắt lọc, làm sạch tổ chức hoại tử”, bác sĩ Sơn cho hay. Để vết thương mau lành, bác sĩ phải lấy da từ vùng khác để ghép lên đỉnh đầu.
Khi tổn thương ổn định, bác sĩ tiếp tục sử dụng các kỹ thuật tạo hình để xoay, chuyển vạt da mang nang tóc để che phủ vùng da đầu bị tổn thương không có tóc, giúp bệnh nhân phục hồi mái tóc.
Không chỉ tốn kém chi phí, trải qua nhiều cuộc phẫu thuật, bệnh nhân cần thêm nhiều thời gian để nuôi lại mái dài.
Cũng gặp nạn vì tẩy tóc, nam thanh niên 21 tuổi bị hoại tử hai vùng ở đỉnh đầu, phải vào Bệnh viện Da liễu Trung ương khám. Do tổn thương quá nặng, các bác sĩ cũng phải cắt lọc và ghép da để tổn thương mau lành, sau đó xử lý bằng biện pháp chuyên môn để da đầu hồi phục, mọc tóc trở lại.
Vì sao tẩy tóc có thể khiến da đầu bỏng rát?
Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Sơn cho hay phần lớn sản phẩm tẩy tóc hiện nay chứa 2 loại hóa chất chính là chất kiềm và chất oxy hóa. Chất kiềm có nhiệm vụ phá vỡ nang tóc, làm mở vỏ sợi tóc, trong khi chất oxy hóa làm phá vỡ cấu trúc hạt melamine và làm mất màu của tóc.
“Người nhuộm tóc càng thích tông màu lạnh như tóc sáng, bạch kim, màu xanh lá… càng phải tẩy tóc kỹ hơn bằng cách tẩy mạnh hoặc tẩy nhiều lần”, bác sĩ Sơn nói.
Giải thích về nguy cơ tổn thương xảy ra khi tẩy tóc, bác sĩ Sơn cho hay hóa chất chỉ được bôi vào thân sợi tóc, không được để tiếp xúc với da đầu. Tuy nhiên, do kỹ thuật trong lúc làm, có thể muốn bôi quá sát chân tóc khiến hóa chất dính vào da đầu mới xảy ra tình trạng da đầu bị bỏng do tiếp xúc với chất kiềm và chất oxy hóa mạnh.
Bác sĩ Sơn phân tích thậm chí, do “sốt ruột”, thợ làm tóc thay vì tẩy tóc nhiều lần với khoảng thời gian và nồng độ hóa chất phù hợp lại sử dụng các chất tẩy có nồng độ vượt quá giới hạn hoặc rút ngắn khoảng cách giữa 2 lần tẩy. Điều này khiến tóc dễ tổn thương, bị phồng, xơ, thô ráp và dễ bị gãy rụng, chưa kể việc gia tăng nhiệt khiến da đầu chịu thêm tổn thương, nguy cơ cao bị bỏng hóa chất, bỏng nhiệt.
Một số hóa chất trong chất tẩy có độc tính cao, có thể khiến cơ thể nhiễm độc nếu nuốt, dính phải thuốc tẩy trên da, bị bắn vào mắt. Các biểu hiện ngộ độc thuốc tẩy tóc bao gồm tiêu chảy, đau bụng, khó thở, ngọng, hạ huyết áp, loạng choạng, bỏng rát ở họng nếu nuốt phải hoặc bỏng rát ở mắt nếu bị bắn vào.
Các chuyên gia khuyến cáo người có tóc khô, yếu, dễ gãy rụng không nên tẩy tóc. Nếu lựa chọn tẩy tóc, để tránh bỏng da đầu, quá trình thực hiện không nên sử dụng các biện pháp thúc đẩy nhanh, mạnh quá trình tẩy tóc như băng bịt kín, kết hợp sử dụng nhiệt hoặc dùng chất tẩy với nồng độ cao. Nếu có cảm giác quá khó chịu, cần ngừng ngay việc tẩy tóc, đến cơ sở y tế gần nhất hoặc chuyên khoa da liễu để được thăm khám kịp thời.
Theo Võ Thu (VietNamNet)