Dùng kem chống nắng quá nhiều, cô gái thiếu hụt vitamin D trầm trọng khiến xương bị loãng, cấu trúc yếu đi, chỉ bật ho mà cũng làm gãy xương sườn.
Theo đó, Cô Lư, người 32 tuổi, quê gốc Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc, đã phát hiện ra mình bị gãy xương trong một cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ. Khi cô nhận được kết quả kiểm tra, cô và người thân đi cùng không khỏi ngỡ ngàng khi nghe bác sĩ tiết lộ nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng này.
Cụ thể, Trung tâm Kiểm tra sức khỏe của Bệnh viện Nhân dân số 1 ở Hàng Châu, thông báo rằng kết quả chụp CT của phổi cho thấy cô đã gãy xương sườn bên phải và cần phải tới khoa chỉnh hình càng sớm càng tốt. Cô đến bệnh viện ngay sau đó nhưng khẳng định bản thân không hề bị ngã hoặc va đập. Bác sĩ đã đề xuất tiến hành các xét nghiệm thêm để phát hiện tình trạng loãng xương.
Các chuyên gia y tế cho rằng bệnh loãng xương ở những người trẻ tuổi có mối liên quan mật thiết đến thói quen và lối sống hàng ngày của họ, bao gồm việc sử dụng quá nhiều kem chống nắng, thiếu hoạt động vận động, và sử dụng quá mức các đồ uống kích thích như cola và cà phê.
Trong trường hợp của cô Lư, sau khi được thăm khám cận kề, bác sĩ đã tìm ra nguyên nhân gây ra vấn đề này. Theo chia sẻ của bệnh nhân, cô Lư rất quan tâm đến việc bảo vệ làn da và đã sử dụng kem chống nắng rất cẩn thận. Mỗi khi cô ra ngoài, cô sử dụng lượng lớn kem chống nắng, thường xuyên bôi lại và đội mũ chống nắng. Điều này đã khiến cơ thể cô không tiếp xúc đủ với tia tử ngoại mặt trời, dẫn đến việc thiếu vitamin D, mệt mỏi, và xương dễ bị “giòn” hơn.
Khoảng 90% lượng vitamin D mà cơ thể con người cần được tổng hợp thông qua da khi tiếp xúc với tia tử ngoại từ ánh nắng mặt trời. Thường, việc tiếp xúc với nắng trong khoảng thời gian 30 phút mỗi ngày có thể đáp ứng nhu cầu vitamin D của cơ thể. Ngược lại, việc không tiếp xúc đủ với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài có thể gây loãng xương.
Theo bác sĩ Dương Tú Cầm từ Trung tâm Khám sức khỏe Bệnh viện số 1 ở Hàng Châu, những trường hợp tương tự như cô Lư không hiếm. Họ thường không được kiểm tra sức khỏe định kỳ và phát hiện ra tình trạng loãng xương sau những sự cố như ho dữ dội hoặc qua việc chụp CT phổi.
Nói chung, quá trình phát triển của xương đạt đến đỉnh điểm sau khoảng 20 tuổi, và đây là thời điểm mà độ mạnh của xương đạt mức cao nhất. Tuy nhiên, sau đó, khối lượng xương sẽ dần giảm đi sau tuổi 35 đối với phụ nữ và 40 đối với nam, và độ mạnh của xương sẽ bắt đầu suy yếu.
Mọi người thường biết rằng thiếu canxi là nguyên nhân chính gây ra loãng xương, nhưng ít người biết rằng nếu không có đủ vitamin D, canxi sẽ không thể được hấp thụ qua ruột. Trước đây, loãng xương thường được xem là một vấn đề của người trung niên và người cao tuổi, nhưng hiện nay, ngày càng có nhiều người trẻ mắc bệnh này.
NT (SHTT)