Không chỉ các hàng quán, ngay tại gia đình hiện rất nhiều người không đảm bảo an toàn khi sơ chế thực phẩm, điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
Mới đây, sự việc hàng trăm người ngộ độc khi sử dụng bánh mỳ Phượng (ở Quảng Nam) đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Theo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, nguyên nhân gây ngộ độc là thịt heo xíu, rau xà lách, rau răm, hành, dưa leo trong bánh mì Phượng bị nhiễm khuẩn Salmonella.
Được biết, kết luận này căn cứ vào kết quả kiểm nghiệm các mẫu cũng như phân của bệnh nhân ngộ độc từ Viện Pasteur Nha Trang. Trước kết luận trên, không ít người đặt ra câu hỏi rằng vì sao nhiều loại thực phẩm lại bị nhiễm khuẩn như vậy, trong khi thịt heo xíu đã được nấu chín trước khi làm.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về Công nghệ thực phẩm cho biết khuẩn Salmonella có thể xuất hiện ở nhiều thực phẩm như thịt gà, bò, lợn hay cả các loại rau quả. Khuẩn Salmonella sẽ bị tiêu diệt khi được nấu chín kỹ, còn việc ăn sống kể cả là với các loại rau cũng có thể nhiễm loại vi khuẩn này.
PGS Nguyễn Duy Thịnh cũng cảnh báo 2 thói quen không chỉ với người đi ăn hàng quán, mà ngay tại gia đình cũng rất hay gặp phải, điều này làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhiễm khuẩn Salmonella, cũng như nhiều loại vi khuẩn khác.
– Không khử khuẩn, dùng riêng dụng cụ chế biến trong bếp ăn gia đình
PGS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, điều này tưởng chừng chỉ thực hiện được ở các nhà hàng, nhưng thực tế rất cần thiết trong việc chế biến thức ăn tại các gia đình. “Nếu đã là gia đình thì việc ăn cơm tại nhà sẽ nhiều hơn ngoài hàng, vì thế để đảm bảo sức khỏe cho cả nhà, trước hết phải luôn đảm bảo từ trong gian bếp”, ông Thịnh cho hay.
Theo ông Thịnh, rất nhiều gia đình chế biến thức ăn sống xong, sau đó dùng ngay thớt đó, dao đó để chế biến thức ăn chín, đây chính nguy cơ lớn nhất để nhiễm chéo vi khuẩn. “Do điều kiện mỗi gia đình, có thể gian bếp chật hẹp không có 2 nơi chế biến thức ăn sống chín khác nhau, nhưng dù khó khăn đến đâu cũng cần phải có dao thớt dùng cho đồ sống và đồ chín riêng. Tuyệt đối không được dùng chung, kể cả khi đã hơ qua lửa như thói quen một số người vẫn dùng”, ông Thịnh cảnh báo.
– Không đảm bảo vệ sinh khu sơ chế và chế biến thực phẩm
PGS Nguyễn Duy Thịnh cho biết tại các nhà hàng lớn, họ sẽ tuân thủ về an toàn vệ sinh thực phẩm tốt hơn, vì số tiền đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, số đông người Việt lại thường ăn ở các quán bình dân, vỉa hè vì không phải ai cũng có tiền để ăn nhà hàng. “Khi đi ăn hàng quán, tốt nhất chúng ta nên thực hiện thói quen rửa tay trước khi ăn và tranh thủ vào khu bếp, qua khu sơ chế, rửa rau để quan sát xem có thật sự đáng an toàn để ăn hay không”, PGS Thịnh tư vấn.
Ông Thịnh cho biết ngay tại gia đình, nhiều người còn chưa tuân thủ sơ chế thực phẩm thì quán ăn cũng chẳng thế tránh được.
Ngoài vấn đề dao thớt, một ví dụ rất thực tiễn khác được PGS Thịnh đưa ra đó là cùng một chiếc chậu nhưng trước đó vừa mổ gà, rửa thịt gà sống xong, sau đó cọ rửa qua rồi lại rửa rau sống để ăn trực tiếp. Đây cũng là nguyên nhân gây nhiễm vi khuẩn không chỉ ở hàng quán mà còn dễ xảy ra tại các gia đình. Điều này cũng lý giải vì sao, một ổ bánh mỳ nhưng cả thịt và các loại rau đều bị nhiễm khuẩn Salmonella.
“Để kiểm chứng điều này, mọi người có thể thực hiện rất dễ dàng. Theo đó, khi mua đồ ăn có kèm rau sống ở hàng quán về nhà, hãy cho rau vào chậu nước lọc, nếu rau có váng mỡ chứng tỏ dụng cụ rửa rau không sạch, hoặc thậm chí quán tận dụng nước bẩn để rửa rau. Trong khi rau đã bắt mỡ thì có rửa cũng không sạch, vì thế tốt nhất không nên ăn rau sống ở hàng quán và nên thực hiện ăn chín, uống sôi”, ông Thịnh khuyên.
Theo Lê Phương (Phụ nữ & Pháp luật)