Giải đáp câu hỏi: Nhìn nhau có lây bệnh đau mắt đỏ không?

Theo các chuyên gia “nhìn vào mắt người đau mắt đỏ sẽ bị lây” là quan điểm sai lầm.

Đau mắt đỏ gia tăng, nguy cơ bùng phát dịch

Thời gian gần đây, bệnh nhân đau mắt đỏ tại Hà Nội và một số tỉnh, TP có xu hướng gia tăng. Đặc biệt, khoảng 2 tuần qua, tại các bệnh viện ghi nhận nhiều người bị đau mắt đỏ, trong đó, có nhiều bệnh nhi. Nhiều trường hợp đến bệnh viện trong tình trạng biến chứng nặng.

Thống kê sơ bộ tuần đầu tháng 9 tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2, trung bình mỗi ngày có từ 30% – 40% bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện mắc viêm kết mạc cấp.

Trong đó, khoảng gần 30% là trẻ em dưới 5 tuổi. Đây cũng là thời điểm bắt đầu năm học mới, trẻ trở lại trường sau thời gian nghỉ hè, tăng khả năng tiếp xúc gần làm dịch bệnh lây lan mạnh.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Bác sĩ Mai Thị Anh Thư – Trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, dịch viêm kết mạc cấp do virus (đau mắt đỏ) năm nay diễn biến phức tạp hơn hẳn mọi năm, với số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa mắt rất đông.

Trong đó, nhiều bệnh nhân nhỏ tuổi và bệnh đã chuyển biến nặng. Đặc biệt, trong môi trường có sự tiếp xúc gần như công sở, trường học thì tỉ lệ này tăng cao đột biến.

Cũng theo bác sĩ Anh Thư, đối với trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, nguy cơ bị viêm kết mạc cấp là rất hay gặp và dễ lây thành dịch. Lý do là vì trẻ chưa có kỹ năng trong phòng bệnh, sức đề kháng yếu, khó khăn trong việc vệ sinh mắt và tra nhỏ thuốc…

“Trẻ trở nặng xuất phát một phần từ tâm lý chủ quan của phụ huynh, như không đi khám ngay khi con đau mắt, tự xin đơn thuốc hoặc ra nhà thuốc xin tư vấn của người bán”, bác sĩ cảnh báo.

Giải đáp câu hỏi: Nhìn nhau có lây bệnh đau mắt đỏ không?
Đau mắt đỏ không lây khi nhìn vào mắt người bệnh. Ảnh minh họa.

Nhìn vào mắt người đau mắt đỏ có bị lây không?

Theo báo Sức khỏe & Đời sống, đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc là một bệnh không quá nguy hiểm nếu biết điều trị, chăm sóc mắt theo hướng dẫn của bác sĩ nhãn khoa. Tuy nhiên do bệnh rất dễ lây nhiễm vì vậy, nếu một thành viên trong gia đình bị đau mắt đỏ rất dễ lây cho cả nhà.

Bệnh đau mắt đỏ lây qua tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh, qua đường hô hấp, qua nước mắt, nước bọt, bắt tay…

Bệnh này cũng có khả năng lây qua tiếp xúc gián tiếp qua việc cầm, nắm, chạm vào những vật dụng bị nhiễm vi khuẩn, virus gây bệnh (như tay nắm cửa, đồ chơi, nút bấm cầu thang…).

Nếu dùng chung vật dụng, đồ dùng cá nhân với người bệnh (như khăn mặt, ly/cốc nước uống, gối…) cũng khiến lây nhiễm phải căn bệnh này. Ngoài ra, việc lây nhiễm đau mắt đỏ còn có thể xảy ra khi sử dụng nguồn nước công cộng dễ bị nhiễm mầm bệnh (ao, hồ, bể bơi). Thói quen dùng tay dụi mắt, sờ vào mũi, ngậm vào miệng…

Người đau mắt đỏ có thể lây bệnh cho người khác ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng, việc lây bệnh diễn ra ở thời kỳ ủ bệnh. Và ngay khi bệnh nhân đã khỏi vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần.

Trả lời trên báo VnExpress, bác sĩ Nguyễn Đình Trung Chính, chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (Tp.HCM) cho biết, đau mắt đỏ không lây khi nhìn vào mắt người bệnh. Có thể do bệnh dễ lây lan và phát bệnh nhanh nên nhiều người nghĩ rằng bệnh sẽ lây khi nhìn vào mắt người bệnh.

Cách phòng tránh bệnh đau mắt đỏ

Dấu hiệu đau mắt đỏ: Mắt có cảm giác bị cộm, xốn, ngứa, đỏ nhẹ, đổ ghèn… Bệnh thường xảy ra ở một bên mắt, vài ngày sau lan sang mắt còn lại, cũng có thể ở hai mắt cùng một lúc.

Đi khám: Nếu mắt bị sưng, đỏ nhiều hơn, cần đến bệnh viện có chuyên khoa mắt để được thăm khám. Khi điều trị, chú ý dùng thuốc theo bác sĩ, không tự ý mua thuốc về dùng vì có thể làm thị lực xấu hơn.

– Phòng bệnh đau mắt đỏ bằng cách tránh đưa tay bẩn lên mắt, nên đeo kính râm khi ra đường.

– Sau một ngày lao động có tiếp xúc bụi mắt, sau khi tổng vệ sinh gia đình, cơ quan nên rửa mặt sạch rồi tra vào mắt một vài giọt nước nhỏ mắt Natri Clorid 0,9%, rửa mặt bằng khăn sạch, nước sạch; thường xuyên giặt khăn mặt bằng xà phòng và phơi dưới nắng.

– Khi bị đau mắt đỏ, để vừa chăm sóc mắt nhanh khỏi vừa tránh lây lan cho người khác cần có ý thức giữ vệ sinh cá nhân tốt (dùng riêng khăn mặt, vật dụng cá nhân); khi mắc bệnh cần được nghỉ ngơi, hạn chế giao tiếp để tránh lây lan cho người khác.

– Không đi học, đi làm khi bị đau mắt đỏ để tránh bệnh lây lan.

– Nếu trong gia đình có người đau mắt đỏ, nên cách li ở một phòng đồ dùng nên dùng riêng để hạn chế lây cho các thành viên trong gia đình.

– Đeo khẩu trang khi có các triệu chứng ho, hắt hơi. Vệ sinh bàn ghế, không gian sinh hoạt bằng các dung dịch sát khuẩn bề mặt.

– Hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng. Nếu mắt chảy nhiều nước mắt, có nhiều ghèn rỉ mắt thì sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc y tế (sử dụng 1 lần) để vệ sinh, sau đó bỏ vào thùng rác có nắp đậy để tránh tạo thành nguồn lây cho gia đình và người xung quanh, sát khuẩn tay sau khi vệ sinh mắt.

– Tuyệt đối không sử dụng kính áp tròng khi đang bị viêm kết mạc.

– Tránh sử dụng chung chai thuốc nhỏ mắt với người khác sẽ làm tăng nguy cơ lây lan bệnh.

Lưu ý: Người bệnh đau mắt đỏ nên đi khám bác sĩ để được chỉ định điều trị. Về nhà, cần dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để bệnh nhanh hồi phục. Tuyệt đối không dùng lại thuốc cũ hoặc dùng chung thuốc với người khác.

Theo Trúc Chi (Nguoiduatin.vn)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *