Đáng tiếc, những món này hiện rất thịnh hành trong xã hội hiện đại và người trẻ ngày càng chuộng chúng.
Ăn đồ ăn nhanh mỗi ngày làm tăng nguy cơ đột quỵ, tiểu đường!
Theo Healthline, thường xuyên ăn nhiều hơn một bữa thức ăn nhanh mỗi ngày sẽ nạp lượng lớn natri.
Ví dụ, bữa ăn bao gồm một chiếc bánh mì kẹp phô mai đôi, một ít khoai tây chiên, một ly sữa lắc nhỏ từ cửa hàng tiện lợi đã chứa hơn 1.500mg natri.
Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ giai đoạn 2020-2025 khuyến nghị, mỗi người không nên ăn quá 2.300mg natri mỗi ngày (tương đương một muỗng cà phê muối). Nguyên nhân bởi, việc dùng nhiều muối theo thời gian có thể làm tăng huyết áp, mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
Ngoài ra, ăn đồ ăn nhanh hàng ngày cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Cụ thể, một nghiên cứu đánh giá được công bố trên trang NCBI cho thấy, ăn đồ ăn nhanh hơn 2 lần một tuần có liên quan mật thiết đến nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường type 2, hội chứng chuyển hóa và tử vong do bệnh tim mạch vành.
Nếu bị tiền tiểu đường, ăn đồ ăn nhanh thực sự khiến sức khỏe của bạn bị bào mòn.
Ăn đồ ăn nhanh mỗi ngày còn dẫn đến những nguy cơ khác
1. Tăng cân
Nếu bạn lựa chọn tại một cửa hàng đồ ăn nhanh, việc ăn một chiếc bánh mì kẹp thịt, khoai tây chiên và nước ngọt có thể bổ sung ít nhất 1.000 calo hoặc hơn trong một bữa ăn.
Điều này đặc biệt đúng nếu bạn chọn bánh mì kẹp thịt đậm đà hơn, khoai tây chiên cỡ lớn hơn và nước ngọt thông thường. Việc hấp thụ nhiều calo hơn mức cơ thể cần hàng ngày theo thời gian có thể dẫn đến tăng cân khó kiểm soát.
2. Ăn ít chất xơ hơn
Nếu phần lớn các bữa ăn của bạn là thức ăn nhanh, rất có thể lượng chất xơ tiêu thụ không đáp ứng theo hướng dẫn được khuyến nghị.
Ví dụ, món salad gà dâu tây theo mùa là một trong những món đồ ăn nhanh hàng đầu cung cấp lượng chất xơ lớn. Tuy nhiên, thống kê cho thấy, chúng chỉ chứa 5g chất xơ trong mỗi khẩu phần, vẫn không là gì so với nhu cầu cơ thể cần. Thậm chí, ngay cả khi ăn món salad nói trên 3 lần mỗi ngày, bạn vẫn không đạt được khuyến cáo lượng chất xơ cơ thể cần.
Chất xơ sẵn có tương đối thấp trong các thực đơn thức ăn nhanh khiến cho việc đáp ứng nhu cầu chất xơ, cũng như nhiều chất dinh dưỡng thực vật khác vào chế độ ăn uống của bạn, trở nên khó khăn.
Chế độ ăn ít chất xơ có thể gây ra hậu quả cho hệ tiêu hóa như táo bón. Trong khi đó bổ sung đủ chất xơ trong chế độ ăn uống sẽ giảm nguy cơ ung thư ruột kết và cholesterol trong máu.
3. Cholesterol cao
Một trong những vấn đề của việc ăn uống đồ ăn nhanh là lượng chất béo bão hòa có trong một bữa ăn.
Dựa trên chế độ ăn 2.000 calo, giới hạn tối đa đối với chất béo bão hòa là 22g mỗi ngày. Bạn có thể dễ dàng hấp thụ 75% lượng chất béo bão hòa trở lên trong một bữa ăn nhanh. Trong một số trường hợp, bạn có thể hấp thụ 100-150% lượng chất béo bão hòa tối đa được khuyến nghị hàng ngày.
Các nhà khoa học cũng chứng minh rõ ràng rằng lượng chất béo bão hòa cao có liên quan đến việc tăng cholesterol LDL (cholesterol có hại). Hướng dẫn Chế độ ăn uống 2020-2025 của Mỹ khuyến nghị, không nạp quá 10% tổng lượng calo của bạn đến từ chất béo bão hòa vì lý do này.
4. Thiếu hụt chất dinh dưỡng
Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ giai đoạn 2020-2025 xác định 4 chất dinh dưỡng mà nhiều người Mỹ không tiêu thụ đủ là canxi, chất xơ, vitamin D và kali.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều người có chế độ ăn dựa trên phần lớn là thức ăn nhanh.
Chất xơ, đã được đề cập ở trên, có rất ít trong các bữa ăn nhanh. Kali được tìm thấy trong nhiều loại trái cây và rau quả, dễ bị bỏ qua trong nhiều thực đơn đồ ăn nhanh.
Canxi được tìm thấy trong sữa, phô mai và sữa chua mà bạn có thể nhận được từ 1-2 lát phô mai trên bánh mì kẹp thịt. Trong khi nguồn canxi, vitamin D dồi dào có nhiều trong sữa tăng cường, một số sản phẩm từ sữa.
(Eatthis, NCBI, Healthline)