“Sống trong không khí gia đình như thế, tôi cũng bị căng thẳng, suốt ngày chỉ thấy buồn bực, chẳng thấy có gì vui. Làm được 3 tháng thì tôi xin nghỉ”.
Có thâm niên làm giúp việc 20 năm nay, bà Trần Thị Thái (58 tuổi, Hà Nội) cho biết, bà đã sống cùng không biết bao nhiêu chủ nhà, tiếp xúc đủ loại hoàn cảnh, tính cách.
Có những gia đình rất tử tế, văn minh khiến bà muốn gắn bó lâu dài nhưng cũng có những gia đình khiến bà không có cảm giác là một thành viên trong đó, mà chỉ đúng nghĩa đi làm thuê, mong đến ngày lĩnh lương.
Bà Thái vẫn nhớ một chủ nhà mà bà đã làm việc cho cách đây 5 năm. Bà mới bước chân vào nhà hôm trước thì hôm sau chứng kiến cảnh chồng đánh vợ. Chị vợ không phản ứng gì, chỉ im lặng chịu trận. Hôm sau, người chồng bình tĩnh trở lại, nói bà thông cảm và xin lỗi khi để bà chứng kiến cảnh đó.
Bà Thái những tưởng đó chỉ là chuyện hi hữu trong nhà. Nhưng không, ở lâu bà mới biết, cứ dăm bữa nửa tháng, anh chồng lại “thượng cẳng chân hạ cẳng tay” với vợ. Người vợ mặt mũi, chân tay tím bầm, ra ngoài gặp ai toàn phải nói dối là bị ngã.
Không ai nghĩ chị vợ bị chồng đánh, bởi vì thường ngày hai vợ chồng dính nhau như sam, vẫn anh anh em em ngọt xớt. “Đánh nhau xong, cô chú ấy lại bình thường như chưa có chuyện gì xảy ra. Nhiều khi tôi hỏi cô ấy sao chồng đánh không biết chạy đi thì cô ấy bảo ‘kệ’. Có vẻ như cô ấy không muốn ai biết chuyện này” – bà Thái kể.
Ở một gia đình khác, không có cảnh bạo hành nhưng bà lại sống cùng một cặp đôi “già nhân ngãi non vợ chồng”. “Người chồng mỗi tuần ghé nhà cô vợ 3-4 buổi, những ngày còn lại chú ấy ở đâu tôi không biết. Tôi cũng lờ mờ đoán ra mối quan hệ của họ nhưng không dám hỏi. Cũng chẳng biết họ có phải là vợ chồng hay không…”.
Đặc biệt, bà được thuê khi đứa bé mới 2 tháng tuổi. Cô vợ đi biền biệt từ sáng tới tối, nhiều ngày còn đi qua đêm. Được một thời gian, bà mạnh dạn hỏi cô làm công việc gì mà đi suốt ngày như thế thì bị cô mắng cho một trận. ’Bà chỉ cần đến tháng nhận đủ lương. Bà quan tâm chuyện ấy làm gì’. Cô ấy nói với tôi thế. Từ đấy, tôi chẳng bao giờ dám hỏi đến công việc của cô ấy nữa” – bà Thái nhớ lại.
“Cô ấy đi sớm về khuya nên đứa trẻ coi tôi như mẹ. Một tay tôi quán xuyến mọi việc trong nhà. Cô ấy là mẹ nhưng gần như chẳng ngó ngàng gì tới con, chỉ đẻ ra rồi giao cho giúp việc. Đến khi đẻ đứa thứ hai, cô ấy lại thuê thêm một giúp việc nữa. Hàng ngày, ở nhà chỉ có hai đứa trẻ và hai chúng tôi với nhau”.
“Mình đi làm thuê cũng chẳng dám đánh giá gì gia chủ. Người ta thuê thì mình làm thôi, nhưng đúng là chỉ đến khi đi làm giúp việc, tôi mới thấy nhiều người mẹ lạ thế” – bà giúp việc quê Nam Định rủ rỉ nói.
Bà Phạm Thị Nga – hiện làm giúp việc ở Đống Đa, Hà Nội – cũng chia sẻ, sau 5 năm làm nghề, bà sợ nhất gặp phải gia đình vợ chồng bất hoà. “Vất vả còn chịu được, chứ vợ chồng cãi cọ, đánh chửi nhau thì tôi chịu, chẳng ở được lâu”.
Bà Nga kể, mới đây, sau khi nghỉ ở nhà chủ cũ vì em bé đã lớn, bà được giới thiệu sang gia đình mới có 2 vợ chồng và 2 đứa con, nhưng vợ chồng đang ly thân. Người chồng đã dọn đi, ở nhà chỉ còn người vợ và 2 đứa con nhỏ nheo nhóc.
Khổ nỗi, cặp đôi ly thân trong cãi vã, nên cứ khi nào phải giao tiếp với nhau là họ bắt đầu to tiếng, thậm chí “mày tao” chửi bới nhau không ra gì.
“Có lúc cô ấy đang làm gì đấy tự dưng bật khóc nức nở vì chuyện vợ chồng. Bọn trẻ con cũng suốt ngày khóc mếu, đòi bố về. Sống trong không khí gia đình như thế, tôi cũng bị căng thẳng, suốt ngày chỉ thấy buồn bực, chẳng thấy có gì vui. Làm được 3 tháng, tôi xin nghỉ. Cô ấy thuyết phục tôi ở lại, hứa hẹn trả lương cao hơn nhưng tôi không ham”.
Bà Nga kể, suốt 5 năm đi làm giúp việc, bà cũng gặp nhiều trường hợp oái oăm, gặp phải gia chủ khó tính nhưng ngược lại, có người coi bà như người thân trong gia đình.
“Tôi ở gia đình này được 2 năm. Cô chú ấy coi tôi như mẹ chứ không phải giúp việc. Tôi thích ăn gì, cô chú ấy đều chiều. Thậm chí, trong bữa cơm, cô chú còn nhường tôi ăn những miếng ngon hơn. Những hôm tôi ốm, chú nấu cháo, mang vào tận giường, đút cho tôi ăn. Nhiều lúc tôi nghĩ con trai mình chắc cũng không chăm mẹ được đến vậy”.
Chính vì thế mà đến lúc nghỉ việc, bà vẫn tiếc nuối và dành rất nhiều tình cảm cho gia đình. Hai bên thường xuyên liên lạc hỏi thăm nhau.
Bà Nga bảo, chắc là không riêng bà, bất cứ người giúp việc nào cũng cảm thấy hạnh phúc và may mắn khi được làm việc cho những người tử tế như vậy.
Theo Nguyễn Thảo (VietNamNet)