Được người giúp việc cho xem nhật ký, tôi hiểu tại sao con trai của bà lại trở thành giám đốc giàu có.
Năm tôi 16 tuổi, bố mẹ dẫn cô Hoa, một người phụ nữ có vẻ ngoài khắc khổ về nhà. Bố mẹ thuê cô ấy giúp việc nhà và chăm sóc ông nội tôi.
Ông tôi là một trí thức giàu có về kiến thức lẫn tài sản. Bà tôi mất sớm, ông một mình nuôi nấng con trai.
Sau cơn tai biến nhẹ, việc đi lại của ông có phần bất tiện. Con cái bận bịu kinh doanh, cháu nội là tôi thì vùi đầu vào việc học, không thể chăm ông chu đáo.
Qua vài lần đổi người giúp việc, bố mẹ tôi được người quen giới thiệu cô Hoa.
Lúc đầu, bố mẹ tôi cũng không mấy tin tưởng, thường bảo tôi vừa học vừa theo sát hoạt động của cô Hoa. Thế nhưng, chỉ sau 3 tháng làm việc, cô Hoa khiến bố mẹ tôi hài lòng, được ông nội hết lời khen ngợi.
Làm hết việc nhà, chăm ông chu đáo, cô lại sang phòng trò chuyện và hỏi han việc học của tôi. Thấy tôi có sách hay hoặc cách học hiệu quả, cô cẩn thận ghi chép tên sách, phương pháp vào một quyển sổ nhỏ.
Mỗi lần nghỉ tết về quê, cô quay lại nhà tôi kèm theo cuốn sổ mới. Tôi đoán cô ghi chép để mua, đưa về cho các con.
Ông tôi không tiện đi lại nhưng luôn là kho kiến thức đối nhân xử thế và kinh nghiệm thương trường. Bởi vậy, nhiều học trò, người quen… thường đến nhà nhờ ông tư vấn.
Tôi để ý mỗi lần ông tiếp khách, cô Hoa loay hoay lo trà nước, bánh mứt nhưng không quên cầm theo quyển sổ, ghi chép gì đó rất vội.
10 năm sau, tôi kết hôn và theo chồng sang Mỹ định cư, còn cô Hoa vẫn làm giúp việc cho bố mẹ tôi.
Sau khi ông qua đời, bố mẹ tôi quý mến, muốn cô ở lại bầu bạn, chăm lo chuyện cơm nước.
Đầu năm nay, tôi quyết định đưa các con về Việt Nam sinh sống. Hôn nhân của tôi tan vỡ do chồng không chung thủy.
Về nhà bố mẹ, tôi như trở về thuở còn bé bỏng, cho phép bản thân yếu đuối. Thấy tôi suốt ngày ủ rũ, cô Hoa kéo tôi về phòng của cô tâm sự.
Lần đầu bước vào căn phòng gia đình dành cho người giúp việc, tôi bất ngờ, tròn mắt khi thấy một tủ sách nho nhỏ.
Biết tôi lấy làm lạ, cô giải thích: “Những lúc rảnh rỗi, tôi thường đọc sách và có thói quen viết nhật ký”.
Tiếp đó, cô vỗ nhẹ, ra hiệu bảo tôi ngồi xuống chiếc giường nhỏ. Cô bắt đầu kể thật chậm rãi về quá khứ của mình.
Học hết lớp 12, cô nghỉ học do gia cảnh khó khăn. Dù rất tiếc nuối nhưng cô chấp nhận số phận, lao vào đời mưu sinh.
Cô vay nợ đi xuất khẩu lao động, đều đặn hàng tháng gửi tiền phụ bố mẹ lo cho các em. 5 năm xa xứ, cô trở về quê với số tiền tiết kiệm cho riêng mình thật ít ỏi.
Cô lấy chồng, hôn nhân không hạnh phúc. Bị chồng bạo hành, một đêm cô ẵm con về nhà mẹ.
Không đầu hàng số phận, cô lam lũ làm thuê, nuôi con, phụng dưỡng bố mẹ. Con trai học lớp 12, cô nhẩm tính tiền công làm việc không đủ cho con vào đại học.
Lúc này, cô được người quen của bố mẹ tôi gợi ý lên Hà Nội làm giúp việc. Tính tới tính lui, cô biết trước sau gì con trai cũng lên Hà Nội học nên quyết định nhận việc.
Cô nhìn tôi, nói tiếp: “Những năm sau đó, cô chủ cũng biết rồi, duy chỉ 10 năm cô ở nước ngoài thì có những việc của tôi cô không rõ”.
Cô tự hào kể, sau hơn 10 năm làm thuê, con trai cô tự mở công ty, kinh doanh rất thuận lợi. Hiện tại, anh ấy xây cho cô một ngôi nhà khang trang để an dưỡng tuổi già. Thế nhưng, cô không chịu về quê, muốn được lao động cho vui.
Tôi chợt nhớ và hỏi chuyện lúc xưa cô thường ghi chép gì đó vào sổ. Cô cười, đưa cho tôi quyển nhật ký.
Tôi ngẫu nhiên lật trang giữa cuốn sổ thì đọc được những dòng tâm sự.
“Hôm nay, mình đưa cho con trai quyển số ghi chép các kiến thức về kinh doanh và kinh nghiệm sống mà ông chủ chia sẻ.
Con không chê chữ mẹ xấu, cầm lấy đọc ngấu nghiến. Không mong con giàu có, chỉ mong con trở thành người tốt, có ích cho xã hội”.
Tôi gấp quyển nhật ký của cô giúp việc, nước mắt trào ra. Tôi biết mình phải cố gắng thật nhiều mới nuôi con giỏi như cô.
Độc giả Mỹ Lan
Theo VietNamNet