Các chuyên gia giáo dục đã rất nhiều lần nhấn mạnh về tầm quan trọng của giáo dục gia đình đối với sự trưởng thành, phát triển của một đứa trẻ.
Một cô gái trẻ ở Trung Quốc mới đây đã chia sẻ lại trải nghiệm “khó quên” của mình. Theo đó, khi cô đang ngồi xích đu ở trong công viên thì một đứa trẻ lại gần, tỏ ý muốn chơi. Ngay lập tức, cô gái đã đứng lên nhường xích đu cho đứa trẻ.
Cứ tưởng cậu nhóc sẽ cảm ơn nhưng không ngờ đứa trẻ lại tỏ thái độ xấc xược, trêu ngươi, thậm chí gọi cô gái là “đồ ngớ ngẩn”. Quá sốc trước thái độ hỗn hào này, cô gái đã gọi bố mẹ đứa trẻ ra để phản ánh sự việc. Đáng lý, cặp vợ chồng phải bối rối, xấu hổ vì hành vi vô lễ của con mình và yêu cầu con xin lỗi nhưng bất ngờ là thái độ của họ thậm chí còn tồi tệ hơn cả thái độ của đứa con.
“Nó chỉ là một đứa trẻ mà. Em ơi, em có bị bệnh gì không thế?”, bố mẹ đứa trẻ chất vấn, đổ ngược lỗi cho cô gái.
Vì quá bức xúc, cô gái đã chia sẻ câu chuyện lên mạng xã hội. Rất nhiều cư dân mạng đã để lại bình luận về vụ việc. Nhiều người cũng bức xúc y hệt cô gái: “Nghe câu trả lời của cặp vợ chồng này là biết vì sao đứa trẻ hư hỗn rồi?”, “Sao lại có những gia đình thiếu giáo dục như thế nhỉ?”, “Gia đình không có giáo dục là điều đáng sợ nhất. Những đứa trẻ lớn lên trong kiểu gia đình này rồi sẽ ra sao?”,…
Thực chất, các chuyên gia giáo dục đã rất nhiều lần nhấn mạnh về tầm quan trọng của giáo dục gia đình đối với sự trưởng thành, phát triển của một đứa trẻ. Một môi trường giáo dục gia đình tốt có thể cung cấp cho trẻ những giá trị, chuẩn mực hành vi đúng đắn và ngược lại.
Theo đó, cha mẹ có trách nhiệm và nghĩa vụ hướng dẫn con mình thiết lập những giá trị đúng đắn. Trong giáo dục gia đình, cha mẹ nên giáo dục con cái tôn trọng mọi người và lễ phép với người lớn tuổi. Đồng thời, cha mẹ nên rèn luyện cho con ý thức kỷ luật tự giác, để chúng hiểu rằng hành động của mình sẽ ảnh hưởng đến người khác. Khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ nên kịp thời sửa chữa để trẻ nhận ra lỗi của mình và học cách xin lỗi, sửa chữa, thay vì chăm chăm bao che bằng câu nói “trẻ nhỏ đã biết gì”.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên quan tâm đến sức khỏe tâm thần của con và kịp thời phát hiện, giải quyết những vấn đề mà con gặp phải khi lớn lên. Khi trẻ có tâm trạng hoặc hành vi bất thường, cha mẹ nên kiên nhẫn lắng nghe, quan tâm, hỗ trợ con thoát khỏi khó khăn.
Quan trọng nhất, cha mẹ cần làm gương cho con. Nếu cha mẹ có lối sống văn minh, lịch sự, biết tôn trọng mọi người xung quanh, biết kính trên nhường dưới thì tự khắc con sẽ học được những phẩm chất tốt đẹp đó.
Theo Thanh Hương (Phụ Nữ Mới)