Rõ ràng bản thân người này đã sai trái nhưng lại không chấp nhận xử phạt.
Mới đây, cô Trương (33 tuổi) sống ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã đâm đơn kiện công ty cũ và đòi bồi thường 35.000 NDT (khoảng 1,1 tỷ đồng) vì đã xâm phạm quyền riêng tư của mình. Nguyên nhân vụ việc đến từ công ty cũ của cô (là một công ty tài chính) đã lắp đặt camera ngay chỗ cô làm việc. Khi cô này liên tục dùng ô che camera công ty đã bị nhắc nhở. Thế nhưng, thay vì chấp hành yêu cầu của lãnh đạo, cô vẫn chống đối rõ ràng và cuối cùng là phía công ty quyết định kết thúc hợp đồng với cô Trương.
Cho rằng mình bị xâm phạm quyền riêng tư nên cô Trương đã quyết định đâm đơn kiện. Tuy nhiên, từ tòa án sơ thẩm đến tòa án cấp cao và cuối cùng là tòa án tối cao, ở bất kỳ nơi đâu, cô Trương cũng bị xử thua kiện. Thậm chí, theo phân tích từ tòa án tối cao, việc công ty lắp đặt camera ở các văn phòng làm việc là chuyện quá bình thường. Hơn nữa, công ty không hề lắp camera ở nhà vệ sinh văn phòng, hay những nơi ngủ nghỉ, ăn uống của nhân viên nên không thể xem là xâm phạm quyền riêng tư.
Hơn nữa, bản thân cô Trương là phó phòng tài chính thì càng phải chấp hành nghiêm túc các quy định của công ty. Ấy vậy nhưng cô lại chống đối công khai bằng cách mang ô che camera và không chấp hành yêu cầu bỏ che ô từ lãnh đạo. Do đó, căn cứ theo Điều 3, Khoản 2 Bộ luật Lao động (Trung Quốc) về việc “người lao động phải hoàn thành nhiệm vụ, nâng cao trình độ chuyên môn, thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, chấp hành kỷ luật lao động và đạo đức nghề nghiệp” thì rõ ràng cô Trương đã không làm đúng nghĩa vụ người lao động. Chưa kể, cô còn kiện công ty cũ khi thiếu cơ sở.
Kết quả, sau 3 lần kiện tụng, cô Trương không những mất thời gian mà còn không thu được đồng bồi thường nào.
Duy Lộc (SHTT)